Tình trạng sạt lở ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân các tỉnh ĐBSCL.

Ở vị trí đầu nguồn ĐBSCL, An Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu mà điển hình là tình trạng sạt lở bờ sông. Chỉ trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 58 điểm sụt lún, sạt lở với chiều dài lên tới hơn 2.600m, ảnh hưởng đến 125 căn nhà. Có những vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng, đẩy người dân vào cảnh “trắng tay” trong giây phút.

Tình trạng sạt lở bờ biển tại ĐBSCL cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Ông Nguyễn Văn Ron là người sinh sống ở Cửa biển Kênh 5, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau lâu nhất. Những năm gần đây, có năm gia đình ông phải dời nhà đến vài lần. Giờ đây, vùng đất ven biển của tỉnh Cà Mau đã không còn khái niệm mùa sạt lở, mà tình trạng sạt lở có thể diễn ra bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu.

Còn tỉnh Kiên Giang có 200km bờ biển thì có đến 64 km đang bị sóng biển xâm thực gây sạt lở, trong đó, sạt lở nghiêm trọng diễn ra trên tổng chiều dài khoảng 30 km. Khu vực sạt lở nghiêm trọng đã không còn cây rừng, mất khả năng phòng hộ, bảo vệ bờ biển.

Chỉ riêng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thực trạng sạt lở ven sông, ven biển ở ĐBSCL vẫn đang tiếp tục diễn ra nghiêm trọng với quy mô, tần suất và mức độ thiệt hại tăng dần qua từng năm./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/tinh-trang-sat-lo-o-dong-bang-song-cuu-long