Tình trạng san lấp đất ruộng lúa ở Lâm Đồng chưa chấm dứt

Mặc dù chính quyền địa phương đã xử lý nhưng tình trạng người dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) lén lút san lấp đất ruộng lúa vẫn tồn tại.

Trong số hơn 7 sào đất ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (ở tổ dân phố Văn Hà, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thì 4 sào đã được đổ đất thành vườn trồng dâu. Ông Dũng thừa nhận, việc tự ý san lấp đất trồng lúa là sai, nhưng trồng lúa không đủ ăn thì gia đình cũng phải chuyển hướng phát triển kinh tế.

“Người dân biết nếu san lấp thì sẽ bị xử phạt, nhưng đất ở đây chỉ làm được lúa có một vụ trong khi mương thủy lợi không có. Gia đình đã xin chính quyền múc hồ để cải tạo nuôi cá nhưng nước ra nước vào không có, nên đã lấp hồ để chuyển đổi lên trồng cây hàng năm”, ông Dũng nói.

Một phần diện tích đất ruộng ông Dũng đã chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm.

Một phần diện tích đất ruộng ông Dũng đã chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm.

Tương tự, gần 3 sào đất chuyên trồng lúa ở cánh đồng Kon Tếch Đăng của gia đình ông Nguyễn Huy Phương trú tại thị trấn Đinh Văn, dù chính quyền cấm nhưng ông Phương vẫn lén lút đổ đất san lấp để chuyển sang trồng dâu. Ông Phương cho biết, hiện cả cánh đồng lúa Kon Tếch Đăng có khoảng 50 ha thì bà con đã lén lút san lấp hơn một nửa để trồng dâu. Trung bình san lấp mỗi sào đất lúa người dân phải bỏ chi phí khoảng 60 triệu đồng. Chính quyền có phạt thì chúng tôi vẫn san lấp vì cuộc sống mưu sinh.

“Chính quyền không đồng ý cho làm vì đây là đất chuyên canh cho cây lúa, nhưng do thu nhập từ lúa thấp quá, không đủ sống, tiền thuê công cán vừa hết nên người dân tự ý chuyển đổi. Cùng một diện tích nhưng để người dân trồng dâu nuôi tằm có thể gấp 4 - 5 lần làm lúa cho nên người dân phải san lấp để tính kế mưu sinh”, ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Chí Vọng, cán bộ địa chính thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà việc xử phạt, thu hồi đất của người dân vi phạm rất khó vì họ làm lén lút: “Về nhu cầu của người dân thì chúng tôi nắm bắt được, trồng lúa ở thị trấn Đinh Văn năng suất không được cao, còn trồng dâu cho thu nhập thậm chí cao gấp đôi, gấp ba cây cà phê. Cho nên, khi UBND thị trấn đi kiểm tra, nhắc nhở thì nhân dân vẫn chấp hành việc đình chỉ không san lấp. Nhưng khi cán bộ về rồi thì họ lại san lấp vào thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả đêm khuya”.

Ông Dũng tiếp tục đổ đất san lấp ruộng lúa để chuyển mục đích sử dụng.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị Trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết, tại thị trấn Đinh Văn, tình trạng san ủi đất nông nghiệp đã được chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ và xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền vẫn chưa đủ sức răn đe nên nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm. Địa phương đã báo cáo lên huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Theo tôi, nên xử phạt đối chủ khai thác đất, chứ đối với bà con nhân dân thì không tác động được việc họ phát triển kinh tế. Chúng tôi đang đề xuất với huyện nên có cơ chế đối với bà con vì an ninh lương thực khu vực này không lớn như khu vực khác. Nếu tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế thì nên quy hoạch cho bà con chuyển đổi để trồng rau, hoa nhà kính, cây dâu tằm mang lại thu nhập kinh tế cao hơn, mức sống người dân mới ổn định được. Nếu tính toán như các vùng khác về an ninh lương thực thì khó cho bà con trong phát triển sản xuất”, ông Nguyễn Thái Sơn cho hay.

Không chỉ ở thị trấn Đinh Văn mà ở các địa phương khác của huyện Lâm Hà, tình trạng người dân san lấp đất ruộng để chuyển qua trồng dâu, xây dựng nhà cửa cũng diễn ra.

Ông Đinh Đức Chí-Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định, có tình trạng người dân một số xã trên địa bàn huyện san lấp đất nông nghiệp, đổ nền khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huyện đang chỉ đạo các địa phương phải xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý những cá nhân, phương tiện vi phạm san lấp đất nông nghiệp và có các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng trên.

“Chúng tôi đã chỉ đạo địa phương phải kiên quyết xử lý các hộ múc đất làm thay đối hiện trạng. Buộc các hộ vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu”, ông Đinh Đức Chí nói.

Lấp ruộng rồi chuyển sang trồng dâu, rồi làm nhà trên đất phần đất đó là trái với quy định pháp luật. Các cấp chính quyền cần xử lý những trường hợp vi phạm một cách nghiêm túc, khi ấy mới chấm dứt được tình trạng này./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tinh-trang-san-lap-dat-ruong-lua-o-lam-dong-chua-cham-dut-983874.vov