Tình trạng quấy rối đối với các nhà báo nữ ở mức cao

Đây là nhận định được đưa ra tại lễ ra mắt Bản hướng dẫn 'Quấy rối tình dục trong truyền thông- nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên' vào ngày 29-11 do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo báo chí Thụy Điển (FOJO) tổ chức.

Theo nghiên cứu “Phụ nữ và báo chí Việt Nam” năm 2018 do Viện Đào tạo báo chí Thụy Điển (FOJO) thực hiện, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo nữ ở mức cao, trên 27%. Trong khi đó, chính sách, cơ chế hướng tới mục tiêu xử lý các vấn đề này còn chưa triệt để. Để góp phần xây dựng một môi trường báo chí chuyên nghiệp, lành mạnh, Cục Báo chí phối hợp cùng FOJO ra mắt cuốn hướng dẫn nói trên.

Cuốn sách này là bản hướng dẫn thực hành cho các cơ quan báo chí và nhân viên phòng tránh và giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nó là những bước đi đầu tiên cho chặng đường hướng đến một nền công nghiệp truyền thông không có vấn đề quấy rối tình dục, từ đó đặt ra những quy chuẩn thực thi tốt nhất, có thể lan tỏa khắp các lĩnh vực khác. Đồng thời, cuốn sách làm rõ hơn khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hướng dẫn cho cơ quan báo chí phòng chống quấy rối tình dục, hướng dẫn khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại...

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên phát biểu "Bản hướng dẫn là phương tiện tốt để các cơ quan báo chí và các đơn vị trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ các PV, đặc biệt là PV nữ trong giai đoạn hiện nay" . Ảnh: T.Phương

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên phát biểu "Bản hướng dẫn là phương tiện tốt để các cơ quan báo chí và các đơn vị trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ các PV, đặc biệt là PV nữ trong giai đoạn hiện nay" . Ảnh: T.Phương

Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết, quấy rối tình dục là vấn đề rất nhạy cảm. Đặc biệt là đối với những nước ở khu vực Đông Nam Á, vấn đề này chưa đề cập một cách rõ ràng, đích danh và có những giải pháp giải quyết cụ thể trong thời gian qua. Ngay trong các cơ quan báo chí, có những vụ việc quấy rối tình dục đã được đưa lên báo nhưng câu chuyện về việc xử lý chưa được rốt ráo. Là lãnh đạo của một cơ quan báo chí, bà Thảo đã không ít lần nghe phản hồi của PV đi phỏng vấn khách mời nhưng ra về trong tâm trạng bị xúc phạm. Tuy nhiên, vì công việc, vì thông tin mà mình cần để tiếp cận nên đôi khi chúng ta đã bỏ qua để đạt được mục tiêu truyền thông của mình. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn danh dự cho những người trong cuộc vẫn còn nhiều lúng túng. Vì vậy, bản hướng dẫn ra đời thời điểm này rất thiết thực. Đây là phương tiện tốt để các cơ quan báo chí và các đơn vị trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ các PV, đặc biệt là PV nữ trong giai đoạn hiện nay.

Còn theo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã làm rõ khái niệm: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.” Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong 7 hành vi bị nghiêm cấm trong Bộ Luật Lao động sửa đổi. Bộ Luật cũng quy định, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi vi phạm phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những nội dung chủ yếu của nội quy lao động. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi bị quấy rối tình dục

Ông Tiến nhấn mạnh, trong cuốn sách hướng dẫn cũng chỉ ra rằng bất kỳ hành vi (thể xác, lời nói, tiếng động, cử chỉ) liên quan đến tình dục mà không được mong đợi và người kia nhận thấy bị xúc phạm thì đều bị coi là quấy rối tình dục. Các hành vi như huýt sáo (có hành vi bỡn cợt), trò đùa không phù hợp về tình dục, nhìn chằm chằm hoặc liếc, nháy mắt, tặng quà không mong muốn, có tiếp xúc thể xác không mong muốn... đều có thể coi là hành vi quấy rối tình dục.

Được biết, để bản hướng dẫn triển khai trong thực tiễn, Cục Báo chí sẽ tổ chức tập huấn thực hành cho PV, tòa soạn báo để nhận biết, xây dựng quy trình, hướng dẫn ứng xử các vấn đề về quấy rối tình dục .

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-trang-quay-roi-doi-voi-cac-nha-bao-nu-o-muc-cao-171878.html