Tình trạng ô nhiễm ở Delhi được cải thiện

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal tuyên bố trên Twitter rằng: 'Tình trạng ô nhiễm tại Delhi đã giảm 25%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm lượng không khí ô nhiễm độc hại tại Thủ đô của Ấn Độ.'

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal và tuyên bố được đăng lại trên BBC. (Nguồn: BBC)

Vài năm lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Delhi rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong các tháng mùa Đông. Vào tháng 11/2018, mức độ ô nhiễm không khí tại Delhi cao gấp 20 lần tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Giao thông đông đúc, các hoạt động xây dựng và công nghiệp, việc đốt rác và hoa màu, việc sử dụng pháo trong các dịp lễ tôn giáo… là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm này.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Thủ hiến Arvind Kejriwal được xem là tín hiệu đáng mừng đối với địa danh thường xuyên gắn mác "ô nhiễm hàng đầu thế giới" này.

Những gì đã được cải thiện

Thủ hiến Kejriwal không nêu cụ thể mức độ của loại ô nhiễm nào đã giảm 25%. Tuy nhiên, theo dữ liệu chính thức của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) có trụ sở tại Delhi, mật độ trung bình của một trong những chất gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là hạt bụi siêu mịn PM 2,5 trong giai đoạn 2016- 2018 thấp hơn 25% so với giai đoạn 2012-2014.

Thực tế là trong vài năm vừa qua, chính quyền Delhi đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm như khuyến khích các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu sạch hơn, hạn chế xe cộ lưu thông trong một số khung giờ nhất định, cấm sử dụng các loại nhiên liệu công nghiệp gây ô nhiễm, cấm một số phương tiện giao thông quá dơ bẩn lưu thông trong thành phố và đóng cửa một số trạm xăng.

Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm tại Delhi như mở hai con đường vành đai ở cửa ngõ phía Đông và phía Tây của Delhi nhằm giảm tải phương tiện cơ giới hạng nặng vào Thủ đô cũng như ban hành những tiêu chuẩn xả thải nhiên liệu.

Tuy nhiên, báo cáo của CSE cho thấy rằng Delhi vẫn phải giảm mật độ hạt bụi siêu mịn PM 2,5 thêm 65% mới đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia.

WHO tuyên bố rằng “ô nhiễm không khí gây ra bởi các hạt bụi siêu mịn có tác động rất lớn đến sức khỏe con người dù ở mật độ rất thấp”.

Thế còn những chất gây ô nhiễm khác?

Mặc dù PM 2,5 rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người nhưng không phải là tác nhân duy nhất gây ra ô nhiễm không khí.

Bên cạnh PM 2,5 còn cả PM 10 có kích thước lớn hơn PM 2,5 nhưng vẫn nhỏ đến mức có thể chui qua mũi, họng và vào đến phổi, gây ra những căn bệnh như hen suyễn.

Dựa theo dữ liệu do GS. Prashant Kumar thuộc Đại học Surrey (Anh) thu thập, mật độ PM10 tại Delhi đã ổn định hoặc có dấu hiệu giảm đi.

Tuy vậy, theo ông Prashant, mật độ PM 10 tại Delhi vẫn cao hơn rất nhiều so với mức khuyến nghị của Chính phủ Ấn Độ và WHO.

Những chất như Nitơ điôxít (NO2) và ozone cũng là những chất gây ô nhiễm tiềm tàng. Chúng được sản sinh từ các phương tiện giao thông và khí thải công nghiệp.

TS. Anumita Roy Chowdhury thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Môi trường cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nồng độ khí ozone và nitơ tại thủ đô Delhi hiện đang tăng lên”. “Và sự gia tăng nồng độ khí ozone hiện đang là một vấn đề đáng được quan tâm, đặc biệt là trong các tháng mùa Hè”.

Cả chính quyền Delhi và Chính phủ Ấn Độ đã cam kết thực hiện thêm nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí của Ấn Độ và cụ thể là cắt giảm nồng độ các hạt bụi siêu mịn PM 2,5 và PM 10 từ 20% đến 30% trước năm 2024.

(theo BBC)

Châu Khánh Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-trang-o-nhiem-o-delhi-duoc-cai-thien-101592.html