Tình trạng mất an toàn trên các tuyến đường cao tốc

Gần đây, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông trên các cung đường cao tốc gây tâm lý lo ngại cho người tham gia giao thông. Mặc dù, những tuyến đường cao tốc này được đầu tư rất lớn và mới đi vào sử dụng thế nhưng, tình trạng mất an toàn trên đường cao tốc vẫn luôn xảy ra.

Clip: Dừng dỗ xe trên cao tốc: Nguy hiểm khôn lường (Nguồn: ANTV)

Như Thanh Niên đưa tin, vào ngày 26-10, tại km 35 thuộc địa bàn huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) ở làn đường Hải Phòng đi Hà Nội xe khách Hoàng Long bất ngờ bị lật ngang đường.

Xe khách Hoàng Long loại 45 chỗ, biển số 15B-030.99 chở 20 người bị lật ngang đường, chắn hết làn số 2 và 3 của đường cao tốc. Rất may, khi sự cố xảy ra, xe khách gặp nạn đã không va chạm với phương tiện khác.

Hiện trường xe khách Hoàng Long lật trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Hiện trường xe khách Hoàng Long lật trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Theo ông Trịnh Quang Mộng, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết nguyên nhân vụ việc bắt đầu từ việc xe bán tải biển số 14C - 035.27 bị rơi lốp sau bên lái và dừng tại làn số 1 (làn giáp dải phân cách giữa) tại vị trí kể trên, lái xe bán tải đã bật đèn cảnh báo sự cố.

Sau đó, xe Toyota Innova biển số 30A - 754.14 đang di chuyển cũng trên làn số 1, tài xế thấy sự cố phía trước đã điều khiển xe tránh sang làn số 2 khiến xe khách Hoàng Long đang chạy tới trên làn số 2 phải đánh lái gấp và bị lật.

Xe khách Hoàng Long gặp nạn bị hư hỏng, nhiều người trên xe bị thương và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Vinmec (Hà Nội). Thông tin sơ bộ lúc 23 giờ từ Bệnh viện Vinmec Hà Nội cho biết, các bệnh nhân vào viện trong tình trạng không nặng và một số người đã ra viện.

Vụ tai nạn cũng khiến giao thông trên làn đường đi Hà Nội của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị ảnh hưởng, lực lượng của Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) đã điều tiết giao thông và giải phóng phần đường ngay trong tối 26-10.

Đây không chỉ là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra tại các tuyến đường cao tốc. Tình trạng mất an toàn, không tuân thủ khoảng cách an toàn của các lái xe là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.

Như LĐO đưa tin, vào ngày 15-8 tại Km 81+200 cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn qua địa phận huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, xảy ra TNGT khiến nhiều người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn khiến 5 người bi thương trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Vào thời điểm trên, chiếc xe khách Hà Sơn Hải Vân BKS 29B - 119.68 lưu thông theo hướng Lào Cai - Hà Nội đến lý trình trên mất lái đâm dải phân cách lao sang làn đường ngược lại, đồng thời xe con 4 chỗ 30E - 158.77 lưu thông theo hướng Hà Nội - Lào Cai đâm thẳng vào sườn xe khách.

Hậu quả, 5 người bị thương đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Cẩm Khê. Trong đó, xe con bị thương 4 người, xe khách bị thương 1 người. Cả hai chiếc xe bị hư hỏng nặng, tôn sóng ATGT cũng bị bóp méo.

Lái xe không tuân thủ khoảng cách an toàn, dừng đỗ xe không đúng quy định

Hầu hết tất cả các vụ tai nạn trên đường cao tốc chủ yếu do lái xe không tuân thủ khoảng cách an toàn, dừng đỗ xe không đúng quy định, tự ý dừng xe trên đường cao tốc dễ dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm.

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 3, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ quy định giao thông trên đường cao tốc: “Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết”.

Ngoài ra, khoản 2 cũng quy định: “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu”.

Theo thông tin trên báo VNE, thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường như sau:

Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: Khi tốc độ xe ô tô di chuyển lớn hơn 60km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m; tốc độ ô tô 80km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m; tốc độ 100km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu 70m. Khi ô tô đạt vận tốc 120km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu phải là 100m.

Tốc độ tối đa cho phép các loại xe chạy trên đường cao tốc

Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.

Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo Điều g khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định thì bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng;

Trường hợp không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm h khoản 4 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Trường hợp điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Ngoài trách nhiệm hành chính, nếu điều khiển xe không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Biển báo lộn xộn khiến lái xe mất tập trung

Theo thông tin trên báo TPO, qua kiểm tra, đoàn thanh tra thừa nhận có nhiều bất hợp lý về biển báo trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Cụ thể, trên tuyến đường có nhiều chỗ cắm quá nhiều biển báo so với quy định, nhất là đoạn Hà Nội - Bắc Ninh. Nhiều điểm giao cắt có đến 4 - 5 biển báo khiến lái xe mất tập trung. Trên tuyến đường còn xuất hiện tình trạng nhiều biển báo có thông tin trùng nhau và đặt ở gần nhau, một số biển báo đặt chưa đúng vị trí.

Việc đặt biển báo lộn xộn trên đường cao tốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn

Việc thừa biển báo trên cao tốc là điều nghịch lý khi ngành GTVT luôn “kêu” thiếu hàng trăm tỷ để bổ sung, thay thế biển báo.

Một số cán bộ trong ngành cho hay: Trách nhiệm xuất phát từ đơn vị thiết kế (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải). Tiếp đó, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư (Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang) và Ban Quản lý dự án 2 (thay mặt Bộ GTVT làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) không kiểm soát được khi thiết kế, thi công.

Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cũng có trách nhiệm khi không phát hiện, xử lý kịp thời bất cập này khi thẩm định về ATGT của dự án trước khi cho vận hành. TCÐB có trách nhiệm giám sát khi quản lý tuyến đường trong quá trình khai thác nhưng chưa phát hiện, xử lý kịp thời.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng do liên danh Cty CP Ðầu tư Văn Phú - Cty CP Tập đoàn Ðại Dương - Tổng Cty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Ðầu tư và thương mại 319 là nhà đầu tư. Dự án này ban đầu được phê duyệt là cao tốc (các biển báo cũng được thể hiện là cao tốc), tuy nhiên, tuyến này có tốc độ khai thác được quy định thấp hơn cả quốc lộ 1A. Dự án được đưa vào vận hành từ 3-1-2016.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tinh-trang-mat-an-toan-tren-cac-tuyen-duong-cao-toc/788790.antd