Tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng ở Nam Phi

Tờ Guardian (Anh) đưa tin, hơn 20.000 người dân Nam Phi đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2018, tăng hơn 7% so với cùng kỳ trước đó. Bạo lực - một vấn đề tồn tại từ lâu trong xã hội Nam Phi vẫn tiếp tục khiến giới chức nước này đau đầu tìm giải pháp. Trung bình 57 người Nam Phi bị giết hại mỗi ngày

Các vụ bạo lực nhằm vào nông dân ở Nam Phi giảm so với cùng kỳ trước đó

Các vụ bạo lực nhằm vào nông dân ở Nam Phi giảm so với cùng kỳ trước đó

Từ lâu, bạo lực đã là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Nam Phi. Những con số trong bản báo cáo mới nhất một lần nữa cho thấy, ngăn chặn bạo lực vẫn là bài toán hết sức nan giải. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giết người tăng 7% nhưng so với 5 năm trước, tỷ lệ tăng là 17%. Trung bình mỗi ngày, Nam Phi có 57 người bị giết hại.

Từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2018, cảnh sát đã ghi nhận 62 vụ giết người trong 58 vụ tấn công vào các trang trại ở Nam Phi. 52 nạn nhân thiệt mạng trong những vụ tấn công là chủ sở hữu, 9 người là nông dân và một người là quản lý trang trại. 46 nạn nhân là người da trắng. Số liệu này cho thấy, bạo lực nhằm vào nông dân giảm đáng kể so với “đỉnh điểm” vào năm 1998 với 153 người chết. Trước đó, trong giai đoạn từ 2003 - 2011, khoảng từ 80 đến 100 người nông dân bị giết hại mỗi năm và trong năm 2016, con số này là 60 người.

Bản báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể tội phạm tình dục với 50.108 vụ (so với 49.660 vụ trong giai đoạn 2016 - 2017. Phần lớn các tội phạm tình dục được ghi nhận là hiếp dâm. Tuy nhiên, số vụ trộm cắp từ các khu dân cư đã giảm đáng kể.

“Những con số mới công bố cho thấy, số lượng người chết mỗi ngày như thời chiến, trong khi chúng ta đang sống trong hòa bình. Đó không phải là tình trạng “không luật pháp” nhưng rõ ràng, đã báo động về vấn đề bạo lực ở Nam Phi hiện nay. Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề bạo lực leo thang ở Nam Phi”, Bheki Cele, một quan chức cảnh sát Nam Phi nói với các phóng viên báo chí.

Các chuyên gia nhận định, sự gia tăng bạo lực trong thời gian gần đây là sự gia tăng lớn nhất kể từ khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc cách đây 24 năm. Bản báo cáo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực của Tổng thống Cyril Ramaphosa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển du lịch Nam Phi. Với tình trạng bạo lực như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tâm lý e ngại khi quyết định đầu tư vào Nam Phi. Bên cạnh đó, hình ảnh đất nước ngày một xấu đi, khó thu hút khách du lịch.

Bất bình đẳng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm Gareth Newham, một chuyên gia nghiên cứu về tội phạm tại Viện nghiên cứu an ninh ở Pretoria cho biết, tỷ lệ số vụ giết người được coi là chỉ số cơ bản nhất để đánh giá mức độ bạo lực ở Nam Phi. Sự gia tăng số vụ giết người ở Nam Phi được đề cập trong bản báo cáo là “hồi chuông báo động” cho các nhà lãnh đạo đất nước trong việc tìm giải pháp ngăn chặn bạo lực.

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực leo thang ở Nam Phi bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát và sự suy thoái của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nam Phi đang trong tình trạng suy thoái kinh tế. Đồng tiền quốc gia mất giá và chỉ số cạnh tranh quốc gia của Nam Phi bị đánh giá rất thấp. Dự báo tăng trưởng kinh tế thực tế của Nam Phi chỉ đạt mức dưới 1% trong năm nay.

Nạn thất nghiệp cao và có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Tình trạng lạm phát đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của những người nghèo khổ. Bất bình đẳng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm ở Nam Phi.

“Nam Phi không thể giải quyết bài toán bạo lực nếu không có được nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, không ít quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn Nam Phi nhưng họ không xảy ra tình trạng bạo lực tồi tệ như vậy. Rõ ràng, ngoài câu chuyện về phát triển kinh tế, rất nhiều vấn đề trong xã hội Nam Phi cũng cần được giải quyết”, chuyên gia Newham nói.

Tường Phạm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tinh-trang-bao-luc-tiep-tuc-gia-tang-o-nam-phi/784615.antd