Tính toán kỹ khi tăng giờ làm và tuổi hưu

Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán kỹ khi tăng giờ làm và tuổi hưu.

Công nhân lao động Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Dung

Công nhân lao động Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Dung

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa), công nhân ngành may mặc phải ngồi 8 tiếng/ngày, đó là chưa kể phải tăng ca từ 1-2 giờ/ngày, rất mệt mỏi. Do đó, nếu số giờ tăng ca lên đến 400 giờ/năm so với 300 giờ/năm như hiện nay là quá nhiều đối với người lao động. Qua khảo sát từ phía công nhân, Công đoàn kiến nghị nên giữ nguyên giờ làm thêm giờ là 300 giờ, không tăng lên 400 giờ/năm.

Còn ông Lương Ngọc Hồi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Great Kingdom Biên Hòa (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) thì cho biết, nếu tăng số giờ làm thêm hằng năm thu nhập công nhân sẽ tăng. Nhưng làm thêm giờ công nhân không có thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình, lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hạnh phúc của người lao động. Số giờ tăng ca mà công nhân mong muốn là 3 giờ/ngày, mỗi tuần 3 ngày. Nếu tính cả năm thì chỉ trên dưới 300 giờ/năm. Việc tăng giờ làm thêm hằng năm cần được nghiên cứu kỹ để phù hợp với đời sống công nhân.

Về phía người lao động, bà Lê Thị Ái Loan, công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) nói: “Mỗi tháng, nếu không tăng ca thì bản thân tôi và nhiều công nhân nhận được số tiền hơn 5 triệu đồng. Đây là khoản tiền chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Do vậy mà mọi người đều mong muốn được tăng ca. Tuy nhiên, nếu tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm thì người lao động không có thời gian tái tạo sức khỏe, chăm sóc gia đình. Do vậy, tôi tha thiết mong muốn giữ nguyên số giờ làm thêm như hiện nay”.

Bên cạnh việc kiến nghị không tăng giờ làm thêm, nhiều ý kiến từ các tổ chức Công đoàn, người lao động cũng kiến nghị chỉ nên tăng tuổi lao động đối với từng nhóm nghề cụ thể, không áp dụng đại trà. Ông Nguyễn Văn Dũng, công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (KCN Long Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi phải đứng suốt 8 tiếng một ngày trong thời gian làm việc, tay chân run, mệt nếu làm quá lâu. Vì vậy, công nhân trong xưởng như tôi mong muốn mình làm việc đến 60 tuổi để hưởng chế độ lương hưu. Nếu tăng lên 62 tuổi thì người lao động không đủ sức khỏe, minh mẫn để làm việc”.

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201908/tinh-toan-ky-khi-tang-gio-lam-va-tuoi-huu-2961049/