Tình tiết vụ một cựu nhân viên CIA bị tình báo Trung Quốc mua chuộc

Không giống như những cảnh phim thường thấy trong các bộ phim trinh thám, người Trung Quốc tiếp cận Kevin Mallory - một cựu nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người từng tiếp xúc với những tài liệu tuyệt mật - không phải ở trong một con hẻm tối mà công khai trên một trang mạng nghề nghiệp. Nhà chức trách Mỹ cho rằng đây là một phần của chiến dịch không chỉ nhằm đánh cắp bí mật an ninh quốc gia mà cả bí mật công nghiệp và công nghệ từ các công ty Mỹ.

Kevin Mallory từng làm việc cho CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ. Thông tin anh ta làm việc trong ngành an ninh quốc gia chính là mục tiêu mà tình báo Trung Quốc rất quan tâm. Họ đã liên lạc với anh ta như bất kỳ nhà tuyển dụng nào: qua một tin nhắn trên trang mạng nghề nghiệp, LinkedIn. “Anh ta giỏi về an ninh quốc gia, quân sự, quan hệ quốc tế, chống khủng bố, giải quyết tranh chấp. Đó chính là một biển chỉ dẫn kiểu như “Tôi là một cựu nhân viên tình báo”, Ryan Gaynor, đặc vụ của Cục Điều tra liên bang FBI, người trực tiếp theo dõi Mallory nói.

Cựu nhân viên CIA Kevin Mallory bị thẩm vấn

Cựu nhân viên CIA Kevin Mallory bị thẩm vấn

Cựu nhân viên CIA và điểm yếu “bí tiền”

Theo ông John Demers, quan chức hàng đầu phụ trách Cục An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp, Kevin Mallory không làm cho bất kỳ cơ quan tình báo Mỹ nào trong 5 năm, nhưng anh ta vẫn được Trung Quốc quan tâm. Anh ta biết tiếng Trung, bí tiền và có trong tay thông tin mật sẵn sàng bán. “Thực tế, những thông tin ban đầu hoàn toàn vô hại, nhưng sau đó chúng có thể hơi nhạy cảm. Mối quan hệ đó phát triển theo thời gian. Đó là một quá trình diễn ra từ từ”, ông John Demers nói.

Chuyên gia về khủng bố, tấn công mạng và gián điệp John Demers cho rằng, việc tuyển dụng Kevin Mallory chỉ là một trong nhiều nỗ lực của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, hay MSS. Đây là cơ quan tình báo chính của Chính phủ Trung Quốc, có quy mô như CIA và FBI ghép lại. Theo đánh giá của giới tình báo Mỹ, MSS mang đẳng cấp thế giới, có chuyên môn về không gian mạng và có khả năng biến mọi người thành cộng tác viên.

Kevin Mallory sau đó đã liên lạc với người đàn ông có tên Michael Yang, tự xưng là nhân viên tại một viện nghiên cứu chính sách của Trung Quốc. Cơ quan điều tra của Mỹ cho rằng Michael Yang chính là một sĩ quan tình báo Trung Quốc. Vài tuần sau, Michael Yang đã chi cho Mallory 25.000USD để đến Thượng Hải 2 lần. Thời gian đó, Mallory đã liên lạc với các đồng nghiệp cũ tại CIA hỏi về điệp viên theo dõi Trung Quốc. Các đồng nghiệp cũ của anh ta đã nghi ngờ và báo cáo sự việc với bộ phận an ninh của CIA và cơ quan thực thi pháp luật đưa Mallory vào tầm ngắm.

Khi Mallory trở về từ chuyến đi thứ hai tới Trung Quốc, anh ta đã bị hải quan chặn lại tại sân bay O'Hare của Chicago. Cựu nhân viên CIA đã cố tình che giấu việc mang theo hơn 16.000 USD tiền mặt. Các điều tra viên còn phát hiện trong hành lý mà Mallory mang theo có một chiếc hộp chứa điện thoại. Mallory nói đó là quà mua cho vợ nhưng thực ra nó là một thiết bị liên lạc bí mật đã được tình báo Trung Quốc trang bị cho anh ta. Thoạt nhìn chiếc điện thoại trông rất bình thường nhưng nó có gài một phần mềm độc đáo có tính năng liên lạc an toàn cả bằng tin nhắn và truyền tài liệu.

Lật tẩy bí mật chiếc điện thoại được người Trung Quốc trang bị

Qua theo dõi, trước đó, Mallory đã cảnh giác với công việc đầy rủi ro của mình. “Mục tiêu của ông là có thông tin, còn mục tiêu của tôi là tiền. Tôi sẽ hủy tất cả các tài liệu điện tử sau khi ông xác nhận đã nhận được. Tôi đã tiêu hủy các tài liệu bằng giấy. Tôi không thể giữ những thứ này xung quanh, quá nguy hiểm”, Mallory viết cho Michael Yang.

Tại thời điểm bị cơ quan hải quan Mỹ chặn lại, Mallory ngờ ngợ CIA và FBI đã theo dõi mình. Thấy anh ta nói dối, CIA vào cuộc và Mallory đã phải khai rằng bị gián điệp Trung Quốc tuyển dụng. Trong cuộc thẩm vấn đầu tiên với CIA, Mallory thừa nhận chiếc điện thoại là một thiết bị liên lạc bí mật do người Trung Quốc đưa cho anh ta, nhưng lại dối quanh về các tài liệu mật mà anh ta đã gửi. Mallory còn đề nghị mang điện thoại đến để CIA kiểm tra, đinh ninh rằng tất cả các tin nhắn mà anh ta gửi cho Michael Yang đã tự động bị xóa.

Hai tuần sau, Mallory đến một phòng khách sạn ở Ashburn, Virginia để gặp CIA lần thứ hai. Khi anh ta đến đó, người của FBI đã đợi sẵn cùng với một giám định viên pháp y máy tính. Anh ta đồng ý chỉ cho họ cách vận hành điện thoại di động. Khi mở ra, Mallory cứ nghĩ đã xóa toàn bộ lịch sử trò chuyện của mình, nhưng trên màn hình, xuất hiện một số tin nhắn đáng chú ý. Một trong những đoạn trao đổi cho thấy Mallory lên kế hoạch cho chuyến đi khác đến Trung Quốc. “Tôi cũng có thể đến vào giữa tháng 6, với phần còn lại của các tài liệu tôi có tại thời điểm đó”, anh ta viết. Trong đánh giá của FBI, đây là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc điều tra.

Bốn tuần sau, FBI bắt giữ Kevin Mallory và khám xét nhà anh ta. Các đặc vụ phát hiện ra một thẻ SD (có thể sử dụng cho điện thoại di động) trong đó lưu trữ 8 tài liệu mật và tuyệt mật, cùng một tài liệu anh ta đã quét tại cửa hàng Virginia FedEx vào tháng 4-2017. Cảnh quay từ camera giám sát tại cửa hàng FedEx cho thấy, anh ta đưa một chồng tài liệu có đánh dấu mật để quét vào thẻ SD. Họ tin rằng Mallory có ý định mang thẻ SD này đến Trung Quốc.

Camera giám sát ghi lại được cảnh Kevin Mallory quét tài liệu mật tại cửa hàng Virginia FedEx

Hơn 90% các vụ gián điệp kinh tế của Mỹ liên quan đến Trung Quốc

Hiện tại Bộ Tư pháp Mỹ đang có 3 nghi phạm là các cựu sĩ quan tình báo bị cáo buộc là làm gián điệp cho Trung Quốc. Điều này không những bất thường mà còn chưa từng có. “Đối với tôi, thật đáng thất vọng và thực sự rất đau lòng khi chúng ta vẫn có những người sẵn sàng phản bội Mỹ chỉ với một vài đô la”, Bill Evanina - Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia, trực thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia của Chính phủ Mỹ nói.

Ông Bill Evanina cho biết, khi nói đến gián điệp, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Họ không chỉ muốn có được bí mật nhà nước mà còn muốn thâu tóm bí mật công nghệ. “Đó là bí mật thương mại, dữ liệu độc quyền, trí thông minh, công nghệ mới nổi, công nghệ nano, hybrid, bất cứ điều gì họ có thể đánh giá có tiềm năng cho tương lai. Siêu máy tính, mã hóa, đó là những vấn đề mà họ tìm kiếm. Và họ có một lịch trình ưu tiên để cử người đi thu thập”, chuyên gia Bill Evanina nói.

Ông John Demers, thuộc Cục An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp cho biết, kể từ năm 2011, hơn 90% các vụ gián điệp kinh tế mà họ buộc tội có liên quan đến Trung Quốc, thuộc đủ loại lĩnh vực, từ hạt gạo biến đổi gene đến công nghệ tuabin gió. Đây là một chiến dịch liên tục, kiên trì, rất tinh vi, rất có nguồn lực và phạm vi rất rộng. Ông Demers nói rằng, các hoạt động này được tăng cường kể từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch 10 năm “Made in China 2025”, mục tiêu vượt lên Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các ngành công nghiệp mũi nhọn khác.

Về phần cựu nhân viên CIA Kevin Mallory, anh ta tiếp tục bác bỏ việc gửi bất kỳ thông tin mật nào cho người Trung Quốc. Tháng 6-2018, một bồi thẩm đoàn ở Virginia kết luận anh ta phạm tội âm mưu gián điệp và nói dối FBI. Mallory hiện đang chờ tuyên án và hình phạt tù chắc chắn không nhẹ.

“Kể từ năm 2011, hơn 90% các vụ gián điệp kinh tế mà Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội có liên quan đến Trung Quốc, thuộc đủ loại lĩnh vực, từ hạt gạo biến đổi gene đến công nghệ tuabin gió. Đây là một chiến dịch liên tục, kiên trì, rất tinh vi, rất có nguồn lực và phạm vi rất rộng. Các hoạt động này được tăng cường kể từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch 10 năm “Made in China 2025”, mục tiêu vượt lên Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các ngành công nghiệp mũi nhọn khác”.

Ông John Demers (Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ)

Yến Chi (Theo CBSNews)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tinh-tiet-vu-mot-cuu-nhan-vien-cia-bi-tinh-bao-trung-quoc-mua-chuoc/796315.antd