Tình tiết lạ trong vụ gian lận điểm ở Sơn La

Các môn trắc nghiệm đã được xác định rõ nhưng với môn tự luận, ai là người trực tiếp chấm nâng điểm cho các thí sinh vẫn đang là ẩn số.

Ngày 21-5, TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018. Trong số này, phần lớn là các cựu cán bộ công tác trong ngành công an và giáo dục của địa phương.

Cơ quan tố tụng cáo buộc vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân, các bị cáo đã can thiệp, sửa chữa bài thi để nâng điểm cho 44 thí sinh, người cao nhất lên tới 26,55 điểm.

Nhờ xem điểm chứ không nâng điểm

Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) cho biết trước kỳ thi có nhận của Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) danh sách 13 thí sinh, Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí) bảy thí sinh. Ngoài ra, Nga còn trực tiếp nhận thông tin của 16 thí sinh. Những người chuyển thông tin cho Nga đều nhờ nâng điểm.

Đáng chú ý, theo lời Nga, danh sách thí sinh gồm thông tin về họ tên, số báo danh, mã đề thi, số điểm cần nâng… Khi đưa danh sách, bị cáo Yến có ghé vào tai bị cáo và nói rằng sửa theo số điểm đã ghi trong giấy. Yến từng gọi Nga sang phòng làm việc, đặt vấn đề năm nay có một số con cháu của cán bộ trong sở tham gia kỳ thi nên “bắt buộc phải làm”.

Tuy nhiên, được gọi lên đối chất, Yến bác bỏ nhiều lời khai của Nga. Yến thừa nhận có chuyển thông tin 13 thí sinh cho Nga nhưng chỉ nhờ xem điểm chứ không phải nâng điểm. Về những con số ghi trong tờ danh sách, Yến cho rằng đây là số điểm do người nhà và thí sinh tự ước chừng để so sánh khi xem điểm, coi có đúng với dự đoán hay không. Bị cáo ghi vào giấy chỉ để nhớ chứ không có mục đích gì khác (?!).

Cũng về những con số này, Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó Phòng Khảo thí, người chuyển thông tin bốn thí sinh cho Nga) thì lại cho rằng đó là số điểm mà phụ huynh mong muốn nâng cho con mình.

Tương tự, Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (hai cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ - PA03, Công an tỉnh) đều khai được Nguyễn Minh Khoa (cựu phó Phòng PA03) gọi đến nhà, đưa thông tin của hai thí sinh và nhờ tìm cách nâng điểm giúp. Ngược lại, Khoa nói chỉ nhờ hai thuộc cấp xem điểm giúp chứ không phải nâng điểm.

Ông Khoa cũng khai phụ huynh của một trong hai thí sinh nói trên đưa thông tin cho mình để nhờ xem điểm môn toán, trong tờ giấy có ghi số 9 nhưng đây chỉ là dự đoán của thí sinh và người nhà chứ không phải số điểm yêu cầu nâng.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa (trái) và Trần Xuân Yến tại tòa. Ảnh: TP

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa (trái) và Trần Xuân Yến tại tòa. Ảnh: TP

Bí ẩn về người chấm nâng điểm

Trong vụ án này, việc sửa chữa bài thi và nâng điểm được thực hiện với cả các môn thi trắc nghiệm cũng như môn thi tự luận. Với các môn trắc nghiệm, cơ quan tố tụng đã xác định rõ thủ đoạn cũng như thủ phạm tác động vào các bài thi. Nhưng với môn tự luận, ai là người trực tiếp chấm nâng điểm cho các thí sinh vẫn là ẩn số.

Theo tài liệu truy tố, để có thể nâng điểm khi chấm bài thi ngữ văn, các bị cáo đã câu kết để có được khóa phách vòng 1 và vòng 2. Sau đó nhóm này tra tìm khóa phách để tìm thí sinh cần nâng điểm theo danh sách đã nhận, rồi tìm bài thi của thí sinh đó nhằm chấm nâng điểm.

Kết quả điều tra xác định trong 44 thí sinh nhờ nâng điểm có 36 thí sinh tham dự môn ngữ văn. Khi Bộ GD&ĐT về kiểm tra, tổ công tác đã chấm thẩm định ngẫu nhiên 110 bài thi, trong đó có 11/36 thí sinh nêu trên.

Tuy nhiên, để có căn cứ xác định điểm thi của các thí sinh nhờ nâng điểm, cơ quan điều tra đề nghị Bộ GD&ĐT chấm thẩm định tiếp số thí sinh còn lại. Kết quả có 13/36 thí sinh bị hạ điểm môn ngữ văn.

Trong số bị hạ điểm, sáu thí sinh nằm trong 12 thí sinh các bị cáo Nga, Huynh, Nhàn cung cấp khóa phách nhờ nâng điểm. Bảy người còn lại đến nay không xác định được ai là người đã cung cấp khóa phách, tác động nâng điểm.

Đặc biệt, cơ quan điều tra tiến hành xác minh đối với bảy thành viên ban thư ký và 21 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chấm thi tự luận để làm rõ các sai phạm liên quan các bài thi bị hạ điểm nêu trên.

Tuy nhiên, các cán bộ, giáo viên chấm bài chỉ thừa nhận chấm sai do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý chứ không được ai tác động để chấm nâng điểm cho thí sinh. Ngoài lời khai của Huynh, cơ quan công an xác định không có căn cứ nào khác chứng minh các giáo viên chấm thi câu kết để nâng điểm.

Như vậy, khác với vụ án ở tỉnh Hòa Bình là cơ quan tố tụng tìm ra được các tổ trưởng chấm thi và giám khảo chấm thi là những người trực tiếp chấm nâng điểm tự luận cho thí sinh, tại vụ án này đây vẫn còn là bí ẩn.

Vị công an “quyền lực” đã ra tòa

So với phiên tòa hồi tháng 10-2019 từng trả hồ sơ, lần này có thêm bốn bị cáo bị truy tố, xét xử bổ sung. Đáng chú ý có ông Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, phó Phòng PA03). Ông Khoa bị cáo buộc nhận thông tin của nhiều thí sinh rồi chuyển cho Lò Văn Huynh cùng hai cấp dưới là Đinh Hải Sơn và Nguyễn Khắc Hưng để nhờ nâng điểm. Đặc biệt, theo lời khai của Huynh, bị cáo đã nhận của ông Khoa 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai trong số thí sinh trên.

Sơ thẩm lần trước, ông Khoa là người làm chứng nhưng vắng mặt nên tòa ra lệnh dẫn giải, dù vậy ông vẫn không đến vì đã đi khỏi nơi cư trú. Nhiều người khó hiểu về sự “bí ẩn” của vị công an này. Phiên tòa này ông Khoa lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ.

Quá trình điều tra, ông Khoa phủ nhận việc nhờ xem điểm và thỏa thuận chuyện tiền bạc. Trong khi Lò Văn Huynh sau khi bị khởi tố bổ sung tội nhận hối lộ thì bất ngờ thay đổi lời khai về việc có thỏa thuận và cầm tiền của ông Khoa. Huynh nói số tiền 1 tỉ đồng là tiền tiết kiệm và bán đất của gia đình mà có. Dù vậy, cáo trạng vẫn cho rằng hai người này có hành vi đưa và nhận hối lộ.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tinh-tiet-la-trong-vu-gian-lan-diem-o-son-la-914112.html