Tình thế 'phóng lao phải theo lao' của Trung Quốc ở Venezuela

Trung Quốc vừa quăng phao cứu sinh cho Venezuela nhằm giúp nước này vực dậy ngành dầu mỏ vốn đang trong cơn bĩ cực do các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Một tác phẩm điêu khắc bên ngoài trụ sở của PDVSA ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: Getty

Song động thái này cũng cho thấy Trung Quốc đang trong tình thế “phóng lao thì phải theo lao” vì Bắc Kinh đã cho Caracas vay hàng chục tỉ đô và có nguy cơ mất trắng nếu ngành dầu mỏ, “con bò sữa” của Venezuela không thể gượng dậy.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Venezuela Simon Zerpa cho biết Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) sẽ đầu tư hơn 250 triệu đô la để giúp nâng cao sản lượng dầu ở vành đai Orinoco, miền nam Venezuela, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ông cũng tiết lộ Trung Quốc đang thu xếp một khoản vay đặc biệt trị giá 5 tỉ đô la Mỹ dành cho Venezuela để đầu tư vào các dự án phát triển dầu khí.

Trung Quốc đang ném tiền qua cửa sổ?

Thị trường dầu thế giới rất nhạy cảm trước các thông tin quan trọng liên quan đến tình hình sản xuất dầu ở các nước nắm giữ sản lượng dầu lớn, nhưng thông tin Trung Quốc cung cấp tài chính cho Venezuela để hỗ trợ nước này nâng cao sản lượng dầu không gây tác động đáng chú ý đến giá dầu.

Từ lâu, Trung Quốc đã đầu tư vào ngành dầu khí Venezuela cũng như cho nước này vay những khoản nợ khổng lồ để theo đuổi mục tiêu kép: mở rộng tầm ảnh hưởng và tìm kiếm nguồn cung đáp ứng cơn khát dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington (Mỹ) vào hồi đầu năm nay nhận định rằng: “Sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latin không minh bạch và không dựa trên xu hướng thị trường”.

Tuy nhiên, rõ ràng, Trung Quốc đã tính toán sai lầm ở Venezuela, nơi mà nước này đang “ném tiền qua cửa sổ”. CSIS ước tính trong 10 năm qua, tổng các khoản vay mà Trung Quốc dành cho nỗ lực phát triển dầu mỏ ở Venezuela lên đến 55 tỉ đô la. Vì thiếu thốn tài chính, Venezuela đã phải vận chuyển các thùng dầu sang Trung Quốc để cấn nợ nhưng sau khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014, Venezuela đã phải rất vất vả để trả nợ theo hình thức này.

Trung Quốc đã phải cung cấp thời gian ân hạn cho một số khoản nợ của Venezuela. Vào thời điểm khi giá dầu đang ở mức cao và ngành dầu công nghiệp, dầu mỏ Venezuela còn vận hành tốt, Venezuela gửi sang Trung Quốc 600.000 thùng dầu/ngày, theo Russ Dallen, giám đốc điều hành của công ty Caracas Capital Markets.

Dallen ước tính nhờ cấn nợ bằng dầu, số nợ mà Venezuela vay của Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 20-23 tỉ đô la. Ngoài ra, Venezuela còn đang nợ công ty dầu khí Rosneft (Nga) khoảng 3-4 tỉ đô la.

Các khoản nợ khổng lồ này đã khiến Venezuela cạn kiệt tiền mặt, từ đó, dẫn đến một hệ lụy khác là sản lượng dầu suy giảm vì thiếu nguồn tiền đầu tư. Sản lượng dầu của Venezuela đạt mức trung bình 2,9 triệu thùng/ngày vào năm 2013 khi ông Nicolas Maduro được bầu làm tổng thống. Đến tháng 6-2018, con số này giảm xuống còn 1,36 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong ba thập niên qua, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

IEA dự báo đến cuối năm 2018, sản lượng dầu của Venezuela sẽ rơi xuống 1 triệu thùng dầu/ngày và còn có nguy cơ giảm tiếp trong năm 2019.

Giới phân tích cho rằng có rất ít cơ hội nguồn tiền mới nhất mà Trung Quốc bơm cho Venezuela sẽ giúp chặn đứng đà suy giảm sản lượng dầu của Venezuela. Đó là lý do mà thị trường dầu hờ hững với thông tin này.

Vành đai Orinoco ở miền nam Venezuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: MercoPress

Tìm cách cứu các khoản nợ

Song Trung Quốc vẫn tiếp tục bơm tiền cho Venezuela một phần là vì nước này muốn bảo vệ giá trị của các khoản nợ, chứ không phải đây là nghĩa cử hào phóng. Nếu sản lượng dầu Venezuela tiếp tục suy giảm mạnh, Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng hàng chục tỉ đô la Mỹ mà Venezuela còn nợ.

Trong thời gian vừa qua, dù sản lượng của tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) sụt giảm, các nhà đầu tư vẫn tin rằng PDVSA bảo đảm duy trì nguồn cung cho thị trường dầu toàn cầu. Nhưng giờ đây niềm tin này bị lung lay sau khi một tòa án ở quốc đảo Curacao thuộc Vương quốc Hà Lan hồi tháng 5 tuyên bố tập đoàn dầu khí ConocoPhillips (Mỹ) được phép tịch thu các tài sản dầu khí trị giá 636 triệu đô la Mỹ của PDVSA trên đảo Curacao để siết khoản nợ hơn 2 tỉ đô la.

Phán quyết của tòa án ở Curacao cho phép ConocoPhillips tịch thu tất cả các sản phẩm dầu mỏ được lưu trữ tại hai nhà máy lọc dầu của Venezuela trên đảo Curacao. Tòa cũng cho phép ConocoPhillips tiếp quản bất cứ lô hàng dầu nào đang trên đường vận chuyển từ Venezuela đến Curacao trong phạm vi 19 km tính từ bờ biển Curacao.

Venezuela cần các nhà máy lọc dầu ở Curacao để trộn dầu thô nặng của nước này với các sản phẩm dầu thô nhẹ mua từ Nga và Mỹ trước khi xuất khẩu.

Phán quyết trên buộc PDVSA tính toán phương án xử lý dầu thô nặng ngay tại Venezuela. IEA cho biết các cơ sở chế biến dầu nặng của các liên doanh nước ngoài nằm ở vành đai Orinoco đang xuống cấp và hoạt động dưới mức công suất thiết kế do thiếu các dung môi pha loãng cũng như các vấn đề liên quan đến tham nhũng và thanh toán.

Tuy nhiên, khoản đầu tư của Trung Quốc khó có thể giúp chặn đứng đà suy giảm sản lượng dầu của Venezuela vì 250 triệu đô la là con số quá nhỏ, khó tạo ra tác động lớn.Trong bối cảnh Venezuela mất khả năng thanh toán nợ, Trung Quốc không còn cách nào khác là phải cóp nhặt những tài sản manh mún của Venezuela và khoản đầu tư 250 triệu đô phục vụ cho nỗ lực đó.

Cuối năm ngoái, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s (S&P) tuyên bố Venezuela đã “vỡ nợ một phần” vì không thể thanh toán hai khoản lãi suất trị giá 200 triệu đô la cho các lô trái phiếu quốc tế đáo hạn vào năm 2019 và 2024.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 3, tiến sĩ Francisco Monaldi, một học giả nghiên cứu chính sách năng lượng Mỹ Latin ở Viện Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ), cho rằng Trung Quốc và Nga có thể chào bán ra thị trường một phần lớn sản lượng dầu xuất khẩu của PDVSA cũng như tham gia vận hành một phần công suất dầu của PDVSA để bảo đảm các khoản nợ của họ được hoàn trả.

(Theo The Wall Street Journal, Oil Price)

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275410/tinh-the-phong-lao-phai-theo-lao-cua-trung-quoc-o-venezuela.html