Tình thế khó khăn của Thủ tướng Anh Boris Johnson

Hôm 25/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đột ngột cắt ngắn thời gian tham dự Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) để về nước đối mặt Nghị viện, sau khi Tòa án tối cao nước Anh ra phán quyết rằng ông đã phạm luật khi quyết định 'treo' Nghị viện.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ngày 23/9. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ngày 23/9. Ảnh: Reuters.

Vội vã trở về từ New York

Nguồn tin phát đi từ Chính phủ Anh tối 24/9 cho biết, ngay sau khi Tòa án tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết rằng hành động “treo” Nghị viện của ông Boris Johnson là phạm luật và không có giá trị pháp lý, Thủ tướng Anh đã gọi điện cho Nữ hoàng. Nội dung cuộc điện đàm không được tiết lộ, nhưng Chính phủ Anh cho rằng các thẩm phán của Tòa án tối cao Vương quốc Anh đã phạm sai lầm khi mở rộng quyền phán xử của mình ra các vấn đề chính trị. Còn về phần mình, ông Boris Johnson cho biết, ông sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án tối cao “cho dù không đồng tình với phán quyết đó”.

Được biết, trong ngày 24/9, liên quan đến vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không cần đạt được bất cứ thỏa thuận nào (dự kiến hạn chót vào ngày 31/10), tại New York, ông B.Johnson đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar- nhưng các cuộc gặp không ghi nhận bất cứ tiến triển nào.

Trong ngày 25/9, chính giới Anh cũng bắt đầu thảo luận về việc mở cửa trở lại Nghị viện. Khởi đầu từ Chủ tịch Hạ viện John Bercow, trong tối 24/9 đã tuyên bố Hạ viện có thể hoạt động trở lại ngay trong ngày 25/9. Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn sau khi lên tiếng yêu cầu ông B.Johnson từ chức cũng cho biết đang liên hệ với các đảng phái khác để buộc ông Johnson phải tuân thủ luật do Nghị viện Anh đưa ra cách đây 2 tuần rằng Thủ tướng Anh bắt buộc phải yêu cầu EU gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020 nếu không có thỏa thuận trước ngày 19/10.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Công đảng ít có khả năng đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ của ông Johnson, cũng như sẽ tiếp tục trì hoãn yêu cầu từ phía Chính phủ Anh về việc tổ chức tổng tuyển cử sớm, trừ trường hợp chắc chắn rằng ông Boris Johnson sẽ thực thi Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10.

“Ác mộng thất bại kép”

Cũng cần nhắc lại, phán quyết của Tòa án tối cao Vương quốc Anh khi tuyên bố Thủ tướng B.Johnson đã hành động trái luật khi tư vấn cho Nữ hoàng Anh đình chỉ hoạt động của Nghị viện trong vòng 5 tuần (từ ngày 10/9 đến ngày 14/10) ngay trước thời điểm hạn chót Brexit là không có hiệu lực. Đây là phán quyết rất quan trọng, nó không chỉ mở đường cho các nhà lập pháp Anh trở lại làm việc tại Quốc hội, mà quan trọng hơn ông B.Jonhson sẽ phải đối mặt với chính nơi mà ông không có đa số ủng hộ. Phán quyết này cũng trao cho các Nghị sĩ cơ hội ngăn cản kế hoạch của ông Johnson về việc đưa nước Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận.

“Việc khuyên Nữ hoàng ngừng hoạt động của Quốc hội là trái pháp luật vì nó làm nản lòng hoặc ngăn chặn khả năng của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng theo Hiến pháp mà không có lý do thỏa đáng nào”- Thẩm phán Tòa tối cao Brenda Hale tuyên bố.

Nặng nề hơn, một số nhà làm luật, trong đó có cả những người bị đẩy ra khỏi đảng Bảo thủ vì phản đối kế hoạch Brexit của ông B.Johnson, nói rằng Thủ tướng nên từ chức vì đã đánh lừa Nữ hoàng.

Như vậy, “ác mộng thất bại kép” đã quay lại với ông B.Johnson. Đồng nghĩa vớ việc ông B.Johnson khó có thể đưa nước Anh rời khỏi EU “không thỏa thuận” vào ngày 31/10 tới, và không thể tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10, nhằm nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Những động thái này cho thấy tiến trình Brexit sẽ còn đối mặt với nhiều khúc quanh mới và đời sống chính trị nước Anh còn nhiều thay đổi.

Vấn đề còn lại là liệu vào ngày 17/10 tới, ông B.Johnson có đến Brussels để đề nghị EU gia hạn Brexit hay không? Nếu đến, có nghĩa là ông B.Johnson “thua” Quốc hội. Còn nếu không, rất có thể ông phải đối mặt với nguy cơ bị đề nghị từ chức từ chính Quốc hội, chứ không phải từ một nhóm trong đảng Bảo thủ của ông. “Người Anh đã quá mệt mỏi vì những cuộc tranh cãi rập rình xung quanh Brexit và muốn tiến trình này sớm kết thúc. Quốc hội thắng hay Thủ tướng thắng cũng thế, vấn đề là Brexit sẽ ra sao”- bình luận của Reuters.

Thế Tuấn (theo CNN, Reuters, AP)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/tinh-the-kho-khan-cua-thu-tuong-anh-boris-johnson-tintuc448226