Tình thế buộc Nga phát triển tên lửa mới cho Armata

Theo Army Recognition, với việc được trang bị tên lửa chống tăng mới phóng qua nòng, tăng Arnata có thể bắn xuyên tấm thép dày gấp đôi giáp trên tăng Abrams Mỹ.

Thông tin về sức mạnh mới của tăng Armata được Tập đoàn chế tạo tăng thiết giáp Uralvagonzavod (UVZ) của Nga cho biết, dòng tăng Т-14 Armata đã được trang bị tên lửa dẫn đường mới có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày gấp đôi giáp xe tăng M1 Abrams của quân đội Mỹ hiện nay.

Tăng Armata.

Đại diện UVZ cho biết, loại tên lửa này được phát triển dựa trên dòng tên lửa 9K119M Refleks-М và có kích thước tương đương với một quả đạn pháo nổ mảnh 125 mm thông thường. Khi tấn công mục tiêu, tên lửa được phóng đi bằng pháo nòng trơn trên T-14 Armata, sau đó sẽ lao vào mục tiêu nhờ sức đẩy của động cơ.

Hệ thống điều khiển bắn ở chế độ tự động của tăng Armata sẽ bám bắt mục tiêu và theo dõi toàn bộ hành trình bay của tên lửa. Mặc dù vậy, pháo thủ vẫn có thể can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Tên lửa tấn công được dẫn bắn bằng hệ thống điều khiển mới khiến tên lửa có độ chính xác cao và đáng tin cậy hơn bởi cơ chế dẫn đường bám chùm laser khiến cho quả đạn không có nguy cơ bay chệch hành trình.

Tên lửa cũng sẽ không bị đánh lừa trong trường hợp đối phương sử dụng màn khói hoặc các biện pháp ngụy trang khác. Theo các chuyên gia Nga, tên lửa này có thể tiêu diệt xe tăng địch đang chạy với tốc độ đến 70 km/h ở cự ly hơn 5 km.

Tên lửa có khả năng xuyên phá lớp giáp dày tương đương 990 mm thép cán đồng nhất nhờ sử dụng đầu đạn kép và động năng lớn, trong khi lớp giáp mặt trước của tăng M1 Abrams Mỹ chỉ dày khoảng 700 mm. UVZ cho biết trong thời gian tới tên lửa sẽ được cải tiến để bắn hạ trực thăng và máy bay bay thấp.

Chuyên gia quân sự Nga Aleksei Khlopotov khẳng định: "Nếu xe tăng sẽ được trang bị pháo 152 mm thì hiệu quả của hệ thống chống tăng này sẽ mạnh lên đáng kể. Đường kính của nòng bắn càng lớn thì tên lửa càng hiệu quả".

Phản ứng trước việc Armata được trang bị vũ khí chống tăng cực mạnh, chuyên gia Kyle Mizokami của Popular Mechanics cho rằng khả năng xuyên phá của tên lửa mới này không lớn hơn nhiều so với mức xuyên 900 mm thép cán đồng nhất của tên lửa Refleks-М thế hệ cũ.

Theo nhận định của chuyên gia Mizokami, nhiều khả năng T-14 Armata không phóng được Refleks-М, nên đã buộc Nga phải phát triển loại tên lửa mới để thay thế nhưng với sức mạnh tương tự.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tinh-the-buoc-nga-phat-trien-ten-lua-moi-cho-armata-3365761/