Tịnh thất Bồng Lai 'nuôi chăm' bao nhiêu người, đều là tu sĩ?

Tịnh thất Bồng Lai không được công nhận là cơ sở thờ tự chính thống do Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý. Thực chất ở đó là 'biến gia thành tự' với khoảng 20 người từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ.

Vụ việc vợ chồng ông Võ Văn Thắng (SN 1973) và bà Đoàn Thị Tuyết Mai (SN 1972), trú tại quận Bình Tân, TP. HCM cùng nhóm người xông vào “Tịnh thất Bồng Lai” gây náo loạn, lục lọi đồ đạc và xô xát với những người tại đây để tìm con gái 21 tuổi Võ Thị Diễm My đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Hiện nay, Công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đang tiến hành điều tra làm rõ và xử lý vụ việc nhiều người kéo đến “Tịnh thất Bồng Lai” ở xã Hòa Khánh Tây tìm con gái. Tuy nhiên, dư luận cũng quan tâm đến việc Tịnh thất Bồng Lai thực chất là gì khi không phải là chùa hay tịnh thất vì không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng? Nơi đây đã từng nuôi chăm bao nhiêu người, những người sinh sống ở đây được gọi là gì?

Trước khi xảy ra vụ nhóm người đến náo loạn, đánh người, Tịnh thất Bồng Lai đã được khá nhiều người biết đến. Bởi nơi đây được cho là đã từng mọc lên loại hoa “ưu đàm” quý hiếm.

 Các "tu sĩ" tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Báo Dân sinh.

Các "tu sĩ" tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Báo Dân sinh.

Đồng thời, năm 2017, hai “tu sĩ” tại đây là Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) từng thu hút dư luận bởi những clip hát nhạc Trịnh đạt "triệu view" trên mạng xã hội, đồng thời tham gia cuộc thi hát Tuyệt đỉnh song ca trên truyền hình. Mới đây, tịnh thất cũng có 5 chú tiểu tham gia thi chương trình “Thách thức danh hài” và đoạt giải cao khiến dư luận càng đặc biệt quan tâm đến tịnh thất này.

Đây cũng là nơi có ồn ào liên quan đến việc, trong năm 2018, có một người dân gọi điện thoại liên hệ trưởng Công an xã Hòa Khánh Tây để làm giấy tờ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho một số trẻ đang sinh sống tại “chùa” nhưng bị “ngã giá” 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Trường Ca - Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khẳng định, tịnh thất này là một cơ sở tôn giáo tự phát và không được công nhận. Thực tế cơ sở này do một người từ TP HCM xuống Long An lập nên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng không công nhận đây là cơ sở thờ tự chính thống do Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý. Vì vậy thực chất ở đó là “biến gia thành tự” với khoảng 20 người từ nhiều nơi đến sinh sống và có nuôi một số trẻ em cơ nhỡ.

Theo tìm hiểu của PV, tịnh thất Bồng Lai không phải là chùa, cũng không phải là cơ sở thờ tự được cấp phép mà là nơi được những người có tinh thần hướng Phật lập ra để học tập những chân lý của Phật giáo.

Người lập ra tịnh thất này là ông Tâm Đức với mục đích trở thành địa điểm tu tập hướng thiện. Các thành viên tại địa điểm này cũng xuống tóc, mặc áo nâu nhưng là những người tu tập tại gia chứ không phải là nhà sư.

Ông Tâm Đức trả lời trên Một Thế Giới cho biết: “Chùa của mình thì gọi là tịnh thất hoặc chùa tư nhân đều được. Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên là đệ tử của tôi, 2 con là trẻ mồ côi ở với tôi từ nhỏ. Từ trước đến nay tôi nuôi trên 200 em mồ côi, hiện tại Bồng Lai đang có 25 em mồ côi. Tôi không chỉ có tịnh thất Bồng Lai mà còn rất nhiều nơi ở các tỉnh thành như Châu Đốc, Cần Thơ, TP.HCM…”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cho biết, “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo mà là cơ sở hoạt động bất hợp pháp.

“Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An có báo cáo lên trên đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền về việc “Tịnh thất Bồng Lai” không phải cơ sở tự viện của Giáo hội và đề nghị chính quyền xử lý. Họ lợi dụng Phật giáo và Giáo hội đã có ý kiến. Những cơ sở trái phép này cần sự xử lý triệt để của cấp chính quyền”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.

Như vậy, tịnh thất Bồng Lai không phải nơi thờ tự, nên những tín đồ ở đây được người dân gọi là “tu sĩ”. Vậy theo quy định của Phật giáo, tu sĩ thực chất là gì?

Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ đời sống thế tục, nên cũng còn gọi là người xuất gia, sống trong những chuẩn mực đạo đức và hành trì theo những pháp môn đã được Đức Phật thiết định. Sự hiện hữu của hình bóng tu sĩ đúng nghĩa là sự hiện hữu của Phật pháp.

Theo Giác Ngộ về vai trò của người tu sĩ Phật giáo, người xuất gia cần nhận thức đúng vai trò của mình, để tránh những ngộ nhận, hay quá đà trong việc dấn thân - thường được mệnh danh với ngôn từ rất cao đẹp: “phụng sự”. Người cư sĩ tại gia cũng cần nhận thức đúng để hộ trì các vị xuất gia một cách đúng pháp.

Trong kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Kimbila, Đức Phật đã dạy rằng, sau khi Ngài nhập diệt, người xuất gia và cư sĩ tại gia nếu “sống không tôn trọng, không vâng lời bậc Ðạo sư; sống không tôn trọng, không vâng lời Pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời chúng Tăng; sống không tôn trọng, không vâng lời học pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời lẫn nhau”, thì chắc chắn Chánh pháp sẽ không được duy trì dài lâu. Thiết nghĩ đó là những yếu tố cốt lõi của người Phật tử, đặc biệt là giới xuất gia cần ý thức để tránh những ngộ nhận về vai trò của mình khi tham dự đời sống xã hội.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tinh-that-bong-lai-nuoi-cham-bao-nhieu-nguoi-deu-la-tu-si-1297438.html