Tinh thần vượt khó của TKV

Nhìn lại những cuộc khủng hoảng kinh tế tác động tiêu cực đến ngành than có thể thấy, thợ mỏ có kỹ năng và tinh thần vượt khó ngoạn mục. Tinh thần ấy được kết tinh từ truyền thống 'Kỷ luật và Đồng tâm'.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tác động xấu đến nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực, trong đó có thị trường than. Nhu cầu sử dụng than trong nước và các bạn hàng nước ngoài giảm sút. Đến tháng 5/1999, ngành than tồn kho gần 4 triệu tấn than các loại, tương đương 30-40% sản lượng sản xuất cả năm của toàn ngành. Tại vùng than Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, khắp các phố mỏ, bến xe, bến tàu, bãi biển, đâu cũng thấy công nhân đi làm thêm, người chạy xe ôm, người bán rau, đi biển.

 Trong mọi hoàn cảnh, thợ mỏ luôn bình tĩnh vượt qua

Trong mọi hoàn cảnh, thợ mỏ luôn bình tĩnh vượt qua

Trước tình thế đó, ngành than quyết định tạm thời cho giãn sản xuất một thời gian. Việc tạm giãn sản xuất được thực hiện trong mùa mưa, từ tháng 7 - 9/1999 và bố trí so le giữa các mỏ để không có mỏ nào phải tạm ngừng sản xuất quá hai tháng. Riêng các mỏ hầm lò giảm số ngày làm việc trong tuần. Lương trong thời gian tạm ngừng sản xuất sẽ được trả cho cán bộ, công nhân (CBCN) bằng 70% mức lương tối thiểu nhân với hệ số cấp bậc.

Việc bố trí giãn sản xuất không những đã lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trước mắt mà còn có tác động rất lớn về đổi mới tư duy kinh tế cho CBCN ngành than trước cơ chế thị trường đầy biến động. Sau đó, ngành than đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2005, sản lượng than thương phẩm đạt trên 30 triệu tấn, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch đề ra cho năm 2010, tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu than do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005.

Tiếp đến những năm 2008-2009 ngành than phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giai đạn này, ngành than vừa sát nhập với Tổng công ty Khoáng sản để thành lập Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2005. Nhiều đơn vị khối khoáng sản lên khoảng 50% công nhân không có việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên; thu nhập quá thấp. Thời điểm đó, giá kim loại màu trên thế giới bị rớt thảm hại. Hầu hết giá các sản phẩm của Tổng công ty Khoáng sản bị giảm tới 50% so với trước, thậm chí có sản phẩm giá bán còn thấp hơn giá thành. Than tồn kho cũng chiếm tới 25-30% tổng sản lượng sản xuất. Trước tình hình đó, tập đoàn đã đề ra nhiều biện pháp tích cực để đối phó. Đối với công nghiệp than, TKV chủ trương tăng cường hợp tác, củng cố các bạn hàng để đẩy mạnh tiêu thụ; đối với khoáng sản, TKV chi 300 tỷ đồng để thu mua sản phẩm và trợ cấp cho công nhân chưa sắp xếp được việc làm... Ngoài ra, tập đoàn còn thực hiện các giải pháp khác như quản lý đầu tư, quản lý kỹ thuật, quản lý tiền lương... Bằng những giải pháp tích cực đó, việc làm của trên 120 vạn thợ mỏ TKV dần ổn định.

Mới đây nhất, những năm 2015-2018, thợ mỏ cũng vừa vượt qua một cuộc khủng hoảng thừa “đau đầu” nhất. Than tồn kho có thời điểm vượt trên 11 triệu tấn, tương đương hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn bị đắp chiếu. Thời điểm này, khó khăn chồng chất hơn đối với ngành khi những tác động từ thiên tai và sự cạnh tranh gay gắt về thị trường lao động. Mưa lũ lớn đã làm các đơn vị TKV thiệt hại nặng nề. Toàn bộ các mỏ lộ thiên và trên 50% mỏ hầm lò bị chìm ngập trong nước, phải ngừng sản xuất, thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng. Một lần nữa, thợ mỏ lại gồng mình trong mưa lũ, huy động mọi lực lượng cứu mỏ. Và như một điều điều kỳ diệu, chỉ sau đó không lâu các mỏ lại ra than bình thường, nhịp sống lao động vui tươi tràn ngập trên vùng mỏ

Có thể nói, trải qua những sóng gió thợ mỏ luôn bình tĩnh vượt qua và có những bứt phá ngoạn mục. CBCN ngành than luôn đứng vững bằng đôi chân của mình, không nao núng trước bất cứ khó khăn nào...

Thanh Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-than-vuot-kho-cua-tkv-134986.html