Tinh thần quật cường của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 'Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này'.

Tranh tái hiện phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Ảnh: Tư liệu

Tranh tái hiện phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Ảnh: Tư liệu

Ngày 7-2-1930, ngày cuối cùng của Hội nghị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lenin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ, chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm tháng ấy nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.

Nhân sự kiện lịch sử thành lập Đảng, vào ngày 18-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột. Người kêu gọi: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; làm cho nước An Nam được độc lập; thành lập Chính phủ công nông binh; tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc trao cho Chính phủ công nông binh; quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho nông dân nghèo; thực hiện ngày làm 8 giờ; hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo; đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân; thực hiện giáo dục toàn dân; thực hiện nam nữ bình quyền”.

Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, sự vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân và lao động thế giới, đặc biệt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ở Nghệ An, đời sống công nhân lúc bấy giờ rất cực khổ. Nông dân bị sự bóc lột tận xương tủy của thực dân, phong kiến, thường xuyên đói khát, khổ sở. Vào ngày 1-5-1930, ở Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, hơn 1.000 nông dân các xã gần thành phố như Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu, Đức Hậu đã hàng ngũ chỉnh tề kéo vào Trường Thi-Bến Thủy để cùng với công nhân tổ chức một cuộc biểu tình chung. Khẩu hiệu đấu tranh của công nhân và nông dân là “Ngày làm 8 giờ”, “Tăng tiền lương”; “Bỏ sưu”, “Giảm thuế”. Đoàn biểu tình vừa đi, vừa hát Quốc tế ca và hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”; “Bảo vệ Liên Xô”.

Từ phong trào cách mạng được mở đầu bằng cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven thành phố Vinh, đến tháng 8-1930, ở vùng Nghệ - Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân. Trong đó, đáng chú ý là cuộc bãi công kéo dài của công nhân Nhà máy Diêm dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thủy. Tất cả những sự kiện đó đã tạo ra những tiền đề cho cao trào cách mạng từ tháng 8-1930 đến tháng 6-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Lo sợ trước tinh thần quật cường, sức mạnh của cách mạng, thực dân Pháp và tay sai đã tàn nhẫn âm mưu dìm phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh trong biển máu. Thực dân Pháp tiến hành ném bom vào đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12-9-1930 khiến 217 người chết và 125 người bị thương.

Theo thống kê, từ tháng 8 đến tháng 9-1930, những cuộc đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã thu hút 40.000 quần chúng tham gia, gây chấn động trong cả nước và trên thế giới. Hệ thống chính quyền của thực dân, phong kiến bị tê liệt, một số nơi bị tan rã. Chính quyền Xô Viết đầu tiên được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thủy, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên...

Các chính quyền Xô Viết đã ban hành nhiều chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chính trị, nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể như Nông hội, Công hội, Đoàn thanh niên cộng sản... Nhân dân cũng được hưởng các lợi ích về kinh tế như được chia ruộng, xóa nợ và học chữ Quốc ngữ...

Đầu năm 1931, nhiều lãnh đạo của phong trào bị địch bắt giữ. Do đó, phong trào cách mạng dần giảm đi cao trào cũng như các chính quyền Xô Viết bị giải tán trong tháng 6-1931. Đến cuối năm 1931, quần chúng nhân dân vẫn tiếp tục tổ chức mít tinh và biểu tình quy mô nhỏ ở khu vực một số xã, nhiều cán bộ tiếp tục hoạt động trong quần chúng.

Như vậy, vừa mới ra đời vào tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngay lập tức kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đòi quyền lợi của mình. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cả nước dấy lên làn sóng đấu tranh dân tộc và dân chủ mạnh mẽ trong các năm 1930-1931 để hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng. Đặc biệt, với sức mạnh nội lực phi thường của nhân dân Việt Nam, khối liên minh công-nông dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được hình thành trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh lắng xuống nhưng là bước tập dượt đầu tiên để rồi sau đó, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã khẳng định, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là hết sức đúng đắn.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-than-quat-cuong-cua-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-post432981.html