Tinh thần nghi tĩnh, thể chất nghi động

Khi có người hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe lúc tuổi già, cụ Lê Tâm thường vui vẻ dẫn ra câu của danh y Tuệ Tĩnh: Tinh thần nghi tĩnh, thể chất nghi động, làm tốt điều đó thì sẽ sống khỏe sống vui…

Khi có người hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe lúc tuổi già, cụ Lê Tâm thường vui vẻ dẫn ra câu của danh y Tuệ Tĩnh: Tinh thần nghi tĩnh, thể chất nghi động, làm tốt điều đó thì sẽ sống khỏe sống vui…

Một thời nhiệt huyết

Năm nay bước vào tuổi 97, trước khi về hưu, cụ Lê Tâm là Cục trưởng Cục Đo lường thuộc Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, và trước khi về cục này cụ là Chủ nhiệm Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa, Hà Nội. Những ai biết quá trình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cụ đều cho rằng các chức vụ đó đều quá khiêm tốn so với tài năng và nhân cách của cụ.

Cụ sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, thân phụ là Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1858-1945), đậu Phó bảng năm 1889, Thượng thư triều đình Huế. Tên cha mẹ đặt cho cụ là Nguyễn Hy Hiền, còn duyên cớ có cái tên “Lê Tâm”, đó là vào năm 1949, cụ là một trong 7 sĩ quan đầu tiên của Nam Bộ được Bác Hồ phong quân hàm Đại tá, làm việc dưới quyền Trung tướng Nguyễn Bình. Lê Tâm là con một liệt sĩ, em mới 10 tuổi mà nhanh nhẹn, thông minh, làm liên lạc. Ở căn cứ, Nguyễn Hy Hiền thường dạy em học chữ, học hát, thế rồi trên đường giao liên máy bay địch ào tới, một loạt đạn phóng xuống đã cướp đi đời em. Cần một tên gọi khác khi hoạt động trong lòng địch, Nguyễn Hy Hiền lấy tên Lê Tâm từ độ ấy.

Trong một cuộc họp ở chiến khu D, Giám đốc Quân giới Nam Bộ Lê Tâm mặc áo cộc tay ngồi giữa (năm 1949).

Nguyễn Hy Hiền hồi nhỏ học trường Paul Bert cùng Nguyễn Kim Thành, tức nhà thơ Tố Hữu và Hà Văn Lâu (Đại tá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vừa từ trần cuối năm 2016), rồi vào Quốc học Huế. Năm 1939 chàng trai Nguyễn Hy Hiền đậu thủ khoa tú tài toán và tú tài triết, nhận học bổng du học Pháp. Anh học Trường quốc gia cầu đường Paris, sau nghiên cứu thêm về toán - lý cao cấp ở Đại học Sorbonne. Cuối năm 1941, anh cùng Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm... thành lập Hội những người Việt Nam tại Pháp. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, biết Pháp có dã tâm chiếm lại nước ta một lần nữa, anh đã đề xuất Hội họp báo và rải truyền đơn chống thực dân Pháp, cùng Trần Đức Thảo (Thạc sĩ triết học) bị bắt. Anh được thả sau 2 tháng giam qua nhiều nhà tù. Năm 1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang đàm phán ở Fontainebleau, anh được Hội chỉ định giúp đỡ đoàn, tìm tài liệu cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh để đàm phán về kinh tế. Rồi tháng 2/1947 theo lời kêu gọi của Bác Hồ, anh về nước, được giao nhiệm vụ Giám đốc Quân giới Nam Bộ, nghiên cứu chất nổ phá cầu. Lúc đó đồng chí Lê Duẩn có ý định kết nạp kỹ sư Lê Tâm vào Đảng, song anh bảo mình chưa có đóng góp gì cho kháng chiến, xin để việc nghiên cứu vũ khí thành công rồi Đảng hãy kết nạp. Thời kỳ này ở chiến khu Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, quân giới đã lập công xuất sắc, tự tạo được súng DKZ và SKZ cho bộ đội ta bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô. Ở Nam Bộ, kỹ sư Lê Tâm cùng các chiến sĩ quân giới tại Đồng Tháp Mười và chiến khu Đ chế được mìn và đạn lõm SS có sức công phá lớn. Có lần một quả mìn thử nghiệm nổ ngay trên tay, may mà anh chỉ bị thương. Đến đầu năm 1951, những nghiên cứu của quân giới Nam Bộ đã thành công ngoài mong đợi, nhất là với súng đạn lõm SS (còn gọi là súng Rừng Sác) làm cho quân Pháp vô cùng khiếp sợ, sau này trở thành công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (năm 1996).

Năm 1952, kỹ sư Lê Tâm trong đoàn với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Anh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc, chuyến đi kéo dài nửa năm. Tại Việt Bắc, kỹ sư Lê Tâm nhận nhiệm vụ mới: phá đá mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Và anh đã thiết kế, chỉ đạo thi công con đường từ Mục Nam Quan qua Đồng Đăng đến Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên. Hòa bình lập lại, ông lại chỉ đạo phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan; Hà Nội - Vinh. Năm 1956, Trường đại học Bách khoa thành lập, GS. Tạ Quang Bửu - Hiệu trưởng đầu tiên của trường mời anh về làm việc...

Thời cụ Lê Tâm đang tại chức, cũng có người nói đến tai cụ là tài năng, đóng góp như thế mà đãi ngộ không tương xứng. Biết chuyện cụ chỉ cười mà bảo: Tôi là người của Đảng, của tổ chức, trên phân công thế nào tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không có thắc mắc gì. Đó là cái tâm cụ luôn giữ được sự bình ổn và trong sáng, cũng tức là cụ luôn có ý thức gạt bỏ những vướng bận, cấn cá trong đầu, làm cho “tinh thần nghi tĩnh”. Còn, cụ là con người hoạt động, rèn luyện thân thể thường xuyên, khi về hưu rảnh rỗi thường đi thăm con cháu, đánh đàn ghi-ta hay chơi cờ với bạn hữu. Vậy là đồng thời với “tinh thần nghi tĩnh”, cụ thực hành “thể chất nghi động” đúng như lời dạy của tiền nhân.

Tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỹ sư Lê Tâm ngồi giữa, bên cạnh là GS.Nguyễn Xiển (năm 1990).

Quên sao, má và em

Cụ Lê Tâm có cái miệng cười tươi và trong điều hành công việc không cáu gắt với ai bao giờ, còn ở gia đình với người thân thì rất yêu thương, tình cảm. Với cách hành xử ấy càng bổ sung cho nền tảng “tinh thần nghi tĩnh” trở nên bền vững, trọn vẹn hơn. Dưới đây trích một đoạn hồi ký Tưởng rằng đã quên chưa xuất bản của cụ, để thấy rõ điều đó: “Một ngày đầu năm 1955. Anh nhân viên văn phòng Tổng cục Đường sắt báo tin má từ Huế ra thăm tôi, đang ở nhà ông Đào Duy Anh, phố Hàng Chuối. Tôi mừng rỡ, nhảy lên chiếc xe Phượng Hoàng, mấy phút sau đã đến nơi. Một cụ già mở cửa reo: Anh Hiền đến rồi chị Năm ơi! Nhìn vào, thấy anh chị Đào Duy Anh và ba bà cụ trong phòng, có má. Tôi vội chào các bà và nhào vào lòng má, tôi ngước nhìn má, hỏi nhỏ: Từ Huế ra, má có mệt không ạ? Má ôm tôi hỏi: Còn con thì sao, nghe nói con bị thương tật phải không? Rồi má và tôi đều khóc. Tôi hỏi má về tình hình gia đình sau 16 năm đi xa không tin tức gì. Tôi cố giấu không nói, quả thật tôi mấy lần suýt chết ở Nam Bộ và Việt Bắc, chỉ nói bây giờ con đang rất khỏe. Sau này chị Hạnh, người đi với má cho biết, đêm hôm ấy ở nhà cụ Thân Trọng Phát ở phố Nguyễn Gia Thiều, má đã vào phòng tôi lúc đang ngủ để xem xét hồi lâu tay và chân của tôi, đúng là không phải tay chân giả, đến lúc đó má mới an lòng. Má chỉ hơi buồn vì tôi đã 35 tuổi rồi mà chưa lập gia đình... Cũng đúng 16 năm sau, má mất ở miền Nam mà không gặp lại người con trai còn lại duy nhất của má. Sau này tôi nghe kể lại, Tết Tân Hợi (1971), họ hàng đến chúc Tết, má lúc đó đã yếu lắm đang nằm trên phản. Một người đọc câu thơ chúc: Hôm nay con cháu sum vầy/Chúc mừng tuổi thọ mệ rày chín mươi. Thì má ngồi nhỏm dậy, nói tiếp hai câu: Má còn thiếu một chút vui/Con trai còn ở xa xôi chưa về. Vậy là đến phút cuối, má vẫn đau đáu nghĩ về đứa con xa biền biệt, là tôi!”.

Người mẹ của kỹ sư Lê Tâm luôn mong mỏi có cháu nội để bế bồng, đâu biết chỉ 2 năm sau ngày bà ra Hà Nội, con trai đã kết hôn với một thiếu nữ, như duyên trời định. Năm 1939, cụ Tiểu Cao ra ga Huế tiễn Nguyễn Hy Hiền vào Sài Gòn, để từ đó đi tàu thủy sang Pháp du học. Sợ con trai lạ nước lạ cái khi vào đất Sài thành, cụ đã viết thư gửi gắm con cho kỹ sư Nguyễn Xiển, lúc ấy đang làm ở Nha Khí tượng. Ông bà Nguyễn Xiển nhiệt tình đón tiếp cậu thủ khoa tú tài đang độ tuổi đôi mươi. Gần một tháng ở nhà kỹ sư Nguyễn Xiển chờ tàu đi Pháp, con gái đầu của ông bà là Thúy Nhàn mới 4 tuổi “có thói đi theo tôi bất cứ đâu, tôi lên thang gác thì chạy lên, rồi tôi xuống cô bé lại xuống. Bà cụ Nguyễn Xiển mắng yêu: Con bé này hư thật, anh Hiền đi đâu mày cứ quáng chân như vậy, để sau này mày lớn tao gả cho anh...” (Trích hồi ký). 16 năm sau, Nguyễn Hy Hiền đến thăm ông bà Nguyễn Xiển, đang hàn huyên thì một cô gái bước vào. Cụ bà cười nói: Anh còn nhớ nó không, nó hay chạy theo anh đó. Thúy Nhàn bẽn lẽn chạy vút lên gác. Ông bà Nguyễn Xiển mới hỏi anh đã lập gia đình chưa, thì anh trả lời, đang ế, vả lại bây giờ hết chiến tranh rồi, thất nghiệp, chưa nghĩ đến chuyện ấy. Anh về dạy ở Đại học Bách khoa, rảnh rỗi thường đến thăm gia đình cụ Nguyễn Xiển, gặp Thúy Nhàn và hai người bén duyên nhau. Một ngày giữa tháng 4/1956, Bác Hồ đến thăm gia đình GS. Nguyễn Xiển thì gặp hai người. Bác hỏi bao giờ hai cháu tổ chức lễ thành hôn, rồi tặng một gói kẹo. Đầu năm 1957, đám cưới Lê Tâm - Thúy Nhàn, Bác đã gửi tặng hai cháu 100 đồng.

Bà Thúy Nhàn công tác ở Đại học Sư phạm Hà Nội, chẳng may bị bệnh qua đời vào năm mới 47 tuổi, để lại trong lòng người chồng bao niềm tiếc thương vô hạn. Trong một giấc mơ, cụ Lê Tâm gặp lại người vợ yêu, tỉnh dậy cầm bút viết luôn bài thơ Gặp người khuất bóng, có những câu thật cảm động: Bây giờ mới biết sắc không/Là nguồn hạnh phúc muôn trùng em ơi/Không, người không mất đâu người/Chỉ hòa cùng với đất trời bao la...

Phạm Quang Đẩu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tinh-than-nghi-tinh-the-chat-nghi-dong-n133202.html