Tinh thần luật pháp 'đi vắng'?

Báo chí mới đây đưa tin, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2017 đã có tới 5.639 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành. Trong số đó, 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Đây không phải là lần đầu xuất hiện tin này. Trong quá khứ, cũng đã mấy lần nghe nói đến những văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật như thế. Cùng thời điểm với tin này, trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cũng có bài phỏng vấn Bộ trưởng Tư pháp mang tựa đề “Hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật”. Theo Bộ trưởng Tư pháp, “Cục Kiểm tra VBQPPL... đã từng bước bảo đảm được việc tiếp cận, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền một cách kịp thời, có hệ thống theo ngành, lĩnh vực, bám sát thực tiễn ban hành VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương”.

Có thể thấy vai trò và chức trách của cục này là rất lớn khi mà công việc bao trùm “thực tiễn ban hành VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương”, mà riêng trong năm 2017, số văn bản bị đánh giá là “trái pháp luật” đã lên tới con số 5.639. Càng quan trọng khi mà, cũng theo Bộ Tư pháp, “các văn bản (này) liên quan rộng rãi, trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh”!

Không phải là cường điệu khi đặt câu hỏi: một khi có đến 5.639 văn bản quy phạm được xây dựng “trái pháp luật” thì cái gánh nặng “trái pháp luật” mà cứ nhất định cho rằng “đúng pháp luật” ấy tác động như thế nào tới mọi tầng lớp dân chúng, mọi hoạt động xã hội, kinh tế? Nếu mỗi văn bản “trái pháp luật” ấy tác động chỉ một lần mà thôi thì số trường hợp chịu oan cũng đã là 5.639 vụ rồi! Còn nếu nhân cho hệ số 10, sẽ là hơn năm vạn. Bá tánh sẽ như thế nào, ra sao, ai có thấu?

Ngay chính Bộ Tư pháp cũng ý thức vai trò tối quan trọng của Cục Kiểm tra VBQPPL khi nêu ra yêu cầu: “Việc phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật luôn được tiến hành cẩn trọng, đảm bảo tính chính xác trong phát hiện và quyết liệt, hiệu quả trong xử lý, giúp cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật nhận thức rõ các sai sót để xử lý kịp thời, ngăn ngừa hậu quả, mặt khác góp phần giúp người dân và dư luận xã hội hiểu đúng, đầy đủ các khía cạnh quy định của pháp luật”.

Nhân lực của cục này có hạn mà khối lượng văn bản cần rà soát kiểm tra thì vô hạn, bằng cớ là hàng ngàn văn bản bị đánh giá là “trái pháp luật”, chính vì thế mà Bộ Tư pháp đã đánh giá: “Cục... đã từng bước tiếp cận, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền một cách kịp thời”. Từng bước nhưng vẫn kịp thời! Chưa rõ là kịp thời so với gì? Đứng về phía người dân, e rằng kịp thời nghĩa là đừng để họ chịu thiệt thòi, oan uổng hay kéo dài năm này sang năm khác, như đã thấy nhan nhản qua các vụ khiếu kiện giải tỏa và đền bù giải tỏa, một trong vô vàn lĩnh vực chịu tác động của các văn bản quy phạm pháp luật mà trái pháp luật ấy.

E rằng, khối lượng văn bản cần rà soát có khả năng đè bẹp số lượng nhân viên cục này. Để tháo gỡ, có lẽ nên giúp cục này từ “đầu nguồn”, tức từ chính các cơ quan ban hành các văn bản ấy. Tạm gác sang một bên số 3.829 văn bản bị đánh giá là “sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản”, thiết tưởng vấn nạn cơ bản chính là sức quyến rũ ban hành văn bản “trái thẩm quyền”. Khi trên tổng số 5.639 văn bản “trái pháp luật” ấy có đến 1.236 văn bản, tức 21,91% trường hợp, bị đánh giá là “trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung”, e rằng tinh thần luật pháp đã “đi vắng”quá nhiều hay là không có!

270 năm trước, đã có người suy ngẫm về “tinh thần luật pháp” là làm sao (*). Có những xã hội mà ở đó học sinh, tối thiểu cũng hai lần học về “tinh thần luật pháp” trong cuộc đời đi học - lần đầu năm lớp 8 học một đoạn trích, lần thứ nhì năm lớp 11 học một số trích đoạn. Âu cũng là một cách giáo dục công dân!

(*) Tác phẩm Về tinh thần luật pháp - tác giả: Montesquieu.

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277071/tinh-than-luat-phap-di-vang-.html