Tinh thần gỡ khó từ Chính phủ kiến tạo

Đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vừa được Chính phủ xin rút lại. Và đó chính là một biểu hiện không thể rõ ràng hơn trong việc gỡ khó cho người dân, cho doanh nghiệp.

Lý do xin rút dự án luật này là bởi thuế BVMT đã được điều chỉnh lên mức kịch trần trong khung thuế suất hiện hành. Và theo Chính phủ “Cần có thời gian để các quy định mới đi vào cuộc sống”, để có thể “đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của DN”.

Chúng ta có một mốc thời gian đáng nhớ: 1.1.2019. Đó là thời điểm thuế BVMT với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, mức tăng “kịch khung”, các loại dầu, than đá, túi nylon... cũng vậy.

Có thể nói việc thuế BVMT tăng đã tạo ra gánh nặng thực sự và nó trở thành một nguyên cớ, một điểm khởi đầu của chuỗi tăng giá. Lý do, đã biết từ trước: Xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành kinh tế. Còn giá điện, một trong những nguyên do khiến giá điện tăng 8,36% là vì “Thuế BVMT đối với than và dầu tăng thêm khiến chi phí mua điện tăng thêm khoảng 450 tỉ đồng” - lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.

Chính vì thế, nếu khung thuế BVMT tiếp tục được đề xuất tăng gấp đôi trong luật sẽ tạo ra sức ép tâm lý cực lớn, thậm chí gây điều tiếng dư luận khi tỉ trọng thuế này trong giá thành hiện đã ở mức rất cao.

Thương dân, lo cho sức cạnh tranh hay sự tồn tại của doanh nghiệp nhiều khi chính là ở những động thái “khoan thư sức dân” như thế này.

Chuyện thời sự là một PCT UBND TP.Hà Nội vừa đề nghị thu trở lại phí xây dựng tại Thủ đô dù Chính phủ đã bãi bỏ trước đó. Và lý do là “để tạo ra nguồn phát triển hệ thống hạ tầng giao thông”. Hay trước nữa, là đề xuất của Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu thu phí BVMT với khí thải “xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP.Hà Nội”.

Thu phí BVMT trong khi đã có thuế BVMT có khác gì phí chồng thuế? “Tạo nguồn” bằng một thứ phí đã bị bãi bỏ, có khác gì chất thêm gánh nặng lên dân, khôi phục lại những giấy phép con từng gây khó cho người dân, DN chỉ vì lợi ích trước mắt.

Có lẽ, tư tưởng ấy, tinh thần gỡ khó từ Chính phủ kiến tạo nên được xem là một điều kiện trong đề xuất của các bộ ngành, địa phương, nhất là khi các đề xuất chính sách ấy ảnh hưởng rất lớn tới người dân, tới doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

ANH ĐÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tinh-than-go-kho-tu-chinh-phu-kien-tao-662356.ldo