Tinh thần đoàn kết của người Pháp sau vụ thầy giáo bị chặt đầu

Người dân trên khắp nước Pháp tham gia một đợt tuần hành lớn trong ngày 18/10, để thể hiện tình đoàn kết và bất khuất sau vụ một thầy giáo dạy lịch sử bị chặt đầu bên ngoài trường học chỉ vì cho học sinh xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

Vụ giết hại thầy giáo dạy lịch sử và địa lý Samuel Paty, 47 tuổi, ở ngoại ô Paris hôm 16/10 khiến dư luận Pháp bàng hoàng và gợi lại làn sóng bạo lực năm 2015 khi tạp chí Charlie Hebdo đăng biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

“Điều cực kỳ quan trọng là phải thể hiện sự động viên và tình đoàn kết, gắn kết của dân tộc chúng ta”, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer nói với France 2 và kêu gọi mọi người ủng hộ các giáo viên.

Một cuộc tuần hành dự kiến diễn ra tại quảng trường Republique ở Paris, nơi khoảng 1,5 triệu người tập trung hồi năm 2015 sau khi các tay súng Hồi giáo tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo. Người dân ở nhiều thành phố khác như Lyon, Toulouse, Strasbourg, Nantes, Marseille, Lille và Bordeaux cũng có kế hoạch xuống đường, Euro News đưa tin.

Thầy Paty nhận nhiều đe dọa trên mạng sau khi cho học sinh cấp hai xem các bức tranh biếm họa. Bố của một nữ sinh đã đưa lên mạng lời kêu gọi “huy động lực lượng” để tấn công thầy giáo, công tố viên chống khủng bố Pháp Jean-Francois Ricard cho biết.

Nghi phạm 18 tuổi người Chechnya tên là Abdullakh A bị cảnh sát bắn chết không lâu sau khi gây án. Các nhân chứng cho biết đã trông thấy hắn ta ở trường học vào chiều 16/10 khi đang hỏi học sinh xem có thấy thầy Paty đâu không.

Bố của một nữ sinh và một tay súng Hồi giáo có tên trong hồ sơ của lực lượng an ninh từ trước là hai trong số người bị bắt, cùng với nhiều thành viên của gia đình nghi phạm. Tính đến hôm qua đã có 11 người bị tạm giam. Ông Ricard cho biết trường nhận được nhiều lời đe dọa sau khi tiết học diễn ra vào đầu tháng 10.

Trong những biếm họa mà thầy giáo sử dụng có hình nhà tiên tri khỏa thân. Bố của nữ sinh cáo buộc thầy Paty phổ biến “nội dung khiêu dâm”. Ông bố này đưa tên của thầy Paty và địa chỉ trường học lên mạng xã hội chỉ vài ngày sau khi vụ án mạng xảy ra. Ông Ricard không cho biết kẻ tấn công có liên hệ nào với trường học, các học sinh hay phụ huynh hay không, hay hắn ta chỉ tự ra tay vì lời kêu gọi trên mạng.

Một bức ảnh của thầy Paty và tin nhắn thú tội giết người của kẻ sát nhân được tìm thấy trong điện thoại di động của hắn ta. Công tố viên nói rằng kẻ tấn công đã mang theo dao, súng hơi và 5 hộp đạn. Hắn đã bắn và cố đâm cảnh sát bằng dao khi bị đuổi sát nút. Kết quả là đối tượng bị bắn 9 phát đạn, ông Ricard cho biết.

Đại sứ quán Nga tại Paris cho biết, gia đình nghi phạm chuyển từ Chechnya đến Pháp khi đối tượng 6 tuổi và đã xin tị nạn. Chị gái cùng cha khác mẹ của đối tượng gia nhập lực lượng khủng bố IS ở Syria vào năm 2014.

Người dân địa phương thị trấn Evreux, nơi nghi phạm sinh sống, mô tả đối tượng là người lặng lẽ. Một người từng học với đối tượng cho biết, hắn ta trở nên sùng đạo trong những năm gần đây. “Trước đó, hắn hay đánh nhau, nhưng trong 2-3 năm qua hắn trở nên lặng lẽ và đắm chìm trong tôn giáo”, người bạn học kể.

Ðe dọa mức độ cao

Cuộc tấn công hôm 16/10 là vụ thứ hai xảy ra từ khi bắt đầu phiên tòa xét xử vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo diễn ra từ tháng trước. Tạp chí này đã xuất bản thêm các tranh biếm họa sau khi phiên tòa diễn ra. Tháng trước, một thanh niên Pakistan đã đâm bị thương 2 người bằng dao thái thịt ở bên ngoài trụ sở cũ của tạp chí.

Ông Ricard nói rằng, vụ giết hại thầy Paty cho thấy “mối đe dọa khủng bố mức độ rất cao” mà Pháp phải đối mặt, nhưng kẻ tấn công lần này chưa phải cái tên được biết đến đối với các cơ quan tình báo Pháp. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định xem đối tượng có liên quan đến tổ chức khủng bố nào hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là một vụ tấn công khủng bố. Văn phòng Tổng thống Macron cho biết, một lễ tưởng niệm quốc gia sẽ được tổ chức cho thầy Paty vào 21/10. Ngày 17/10 hàng trăm học sinh, giáo viên và phụ huynh đến trường của thầy Paty để đặt hoa. Một số mang theo tấm biển có dòng chữ “Tôi là một giáo viên” hay “Tôi là Samuel”.

Theo các phụ huynh và giáo viên, thầy Paty đã cho phép các học sinh Hồi giáo có thể ra khỏi lớp trước khi cho các em xem tranh hoạt hình, nói rằng thầy không muốn cảm xúc của các em bị tổn thương.

Một học sinh cho biết, thầy Paty năm nào cũng cho các em xem tranh hoạt hình để thảo luận về quyền tự do, sau khi xảy ra vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tinh-than-doan-ket-cua-nguoi-phap-sau-vu-thay-giao-bi-chat-dau-1737228.tpo