Tinh thần đa phương

Hai quốc gia đầu tàu châu Âu là Pháp và Ðức vừa công bố sáng kiến thành lập một liên minh mới, lấy tên là Vì chủ nghĩa đa phương, dự kiến chính thức ra mắt dịp khóa họp hằng năm của Ðại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 tới. Ðây là mạng lưới các quốc gia ủng hộ và tham gia những nỗ lực hợp tác toàn cầu chống tình trạng bất bình đẳng, giải quyết các thách thức chung, từ biến đổi khí hậu đến hệ lụy của sự bùng nổ công nghệ mới.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế hiện đại, chủ nghĩa đa phương thể hiện qua các hình thức hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia cùng theo đuổi mục đích chung, dựa trên các giá trị cốt lõi là công bằng, nỗ lực tập thể và tác động tương hỗ. Hàng chục năm qua, các cơ chế đa phương đã được hình thành, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, vì con người và sự phát triển chung của nhân loại. Ðiển hình là Liên hợp quốc, tổ chức hỗ trợ các cuộc thương lượng hòa bình và đi đầu trong các vấn đề quyền con người, y tế, giáo dục...

Tuy nhiên, được xem như "chìa khóa" cho vấn đề an ninh toàn cầu, song hợp tác đa phương không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hiện chủ nghĩa đa phương đối mặt thách thức nghiêm trọng, xuất phát từ rạn nứt trong quan hệ giữa các cường quốc, sự trỗi dậy của phong trào dân túy, chủ nghĩa biệt lập và quan điểm của một số quốc gia đi ngược xu thế đa phương. Ðiển hình là Mỹ, quốc gia đã cắt giảm đóng góp cho Liên hợp quốc, rút khỏi một loạt cơ chế, tổ chức và thỏa thuận quốc tế.

Ra đời trong bối cảnh ấy, liên minh do Pháp, Ðức chủ trì đã khơi dậy tinh thần đa phương và sức hấp dẫn của hợp tác toàn cầu.

VŨ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/chuyen-thoi-su/item/39763002-tinh-than-da-phuong.html