Tinh thần chung sức phòng, chống dịch Covid-19

Ở Việt Nam, công tác tuyên truyền phòng dịch được đẩy mạnh từ rất sớm. Cả nước dấy lên tinh thần đoàn kết, chung sức phòng dịch bệnh.

“Tất cả người dân phải đeo khẩu trang”, “Bảo vệ bản thân mình là bảo vệ người thân, bảo vệ cộng đồng”, “Ở nhà là yêu nước”, những khẩu hiệu tuyên truyền tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Việt Nam đã từ nhiều tháng nay.

Hiệu ứng dây chuyền hơn lúc nào hết thể hiện tính ưu việt bấy lâu nay bị khuất lấp.

Còn ở nơi tôi đang sống, người đeo khẩu trang bị số đông xa lánh vì bị coi là bị bệnh, là kẻ lập dị và không có tinh thần hòa nhập. Người đeo khẩu trang là những kẻ tội đồ reo rắc tâm lý hoang mang, làm lây lan chứng “hoang tưởng đại dịch” trong cộng đồng!

Khác với các nước Á Đông, trong từ điển dụng ngôn của người Pháp đương đại không có hai từ “đoàn kết” và “yêu nước”. Đối với họ, đó chỉ là những thuật ngữ giáo điều, sáo rỗng.

Hai chữ “hòa nhập” mới là thời thượng. Nó có nghĩa là hòa nhập biểu tình dân chủ, hòa nhập đi ăn, đi chơi, đi xem nhạc kịch mà cũng có nghĩa là “hòa nhập không đeo khẩu trang”!

Người Nhật khi cảm cúm thông thường cũng đeo khẩu trang để tránh mình lây bệnh cho người khác, qua đó mà thấy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Còn người Pháp cho rằng đeo khẩu trang không bảo vệ được bản thân thì đeo làm gì...

Vậy nên, nếu ai hỏi vì sao người Pháp không đeo khẩu trang, đây chính là một sự cắt nghĩa. Biểu đồ thống kê số người nhiễm Covid-19 ở Pháp cứ thế leo thang theo chiều thẳng đứng...

 Sách Paris 55 ngày cấm túc. Ảnh: Vũ Yến.

Sách Paris 55 ngày cấm túc. Ảnh: Vũ Yến.

Nghĩ quanh rồi lại nghĩ quẩn, tôi quyết định tắt điện thoại và không xem tin tức nữa. Tôi tha thẩn đi dạo trong những con phố cổ lòng vòng, ngoắt nghéo. Chợt tôi nhìn thấy phía trước, có một quán ăn xin xắn nép mình bên một khúc ngoặt. Vẻ kiến trúc đơn sơ gần như là tiều tụy của quán ăn khiến tôi thấy tò mò.

Tôi bước lại gần, ngắm nghía. Toàn bộ tường bao quanh sơn màu xanh dương nhè nhẹ, nổi bật lên là những cánh cửa chớp sơn màu lam xẫm. Trên cửa ra vào treo một tấm bảng đen ghi thực đơn bằng phấn trắng. Tôi đang chăm chú đọc bảng thực đơn thì chợt một cơn mưa đổ ập xuống, xối xả. Tôi vội nép mình bên mép tường, nhìn mưa rơi rồi tặc lưỡi tự nhủ: “Đúng là ý Trời!”

Tôi đẩy cửa, bước vào phía bên trong. Từ quầy bar, ông chủ quán bước tới chào tôi và ra hiệu cho tôi chọn một chỗ ngồi tùy thích. Nghe vậy, tôi liền chọn cho mình một chỗ ngồi bên góc cửa sổ, hướng nhìn ra biển.

Ở cửa sổ bên phía đối điện tôi, một người đàn ông trung niên đang lặng lẽ thưởng thức bát canh súp cá hồi. Cách tôi một bàn ăn, có một đôi vợ chồng với ba đứa con nhỏ đang dùng món tráng miệng. Mấy đứa nhỏ được dịp ăn kem thì ngồi ăn ngoan ngoãn, không hề la quấy.

Không gian bên trong thật thảnh thơi, đầm ấm. Dường như cơn bão corona vẫn chưa chạm tới nơi đây.

Đợi cho tôi ngồi yên vị được một lát, ông chủ quán thoăn thoắt cầm bảng thực đơn bước về phía tôi. Ông nhìn tôi, nhoẻn miệng cười và nói:

- Vì cô là thực khách cuối cùng nên nhà hàng chúng tôi sẽ tặng một món khai vị, mời cô chọn nhé!

- Sao lại là “cuối cùng”? - Tôi ngạc nhiên, ngước mắt nhìn ông hỏi.

- Là vì thủ tướng vừa tuyên bố nước Pháp bước vào giai đoạn ba. Tất cả nhà hàng, quán xá và các dịch vụ không cần thiết buộc phải đóng cửa kể từ 0 giờ đêm nay!

Giáng Hương / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-than-chung-suc-phong-chong-dich-covid-19-post1180049.html