Tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành trong văn học

Sự phát triển của văn học trong thế kỷ XX sôi động không kém những hoạt động, lĩnh vực cùng thời. Riêng với lý thuyết phê bình văn học quả thật là 'trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng': Hình thức, cấu trúc, hậu cấu trúc, nữ quyền, tân duy sử, phân tâm học, hậu hiện đại, thuyết người đọc, phê bình sinh thái…

Là một hình thái ý thức xã hội, lý thuyết phê bình buộc chặt bản mệnh của mình vào nền tảng kinh tế-xã hội, văn hóa, tư tưởng... Đó là lý do vì sao phê bình văn học trước thế kỷ XX khá nghèo nàn, kém sôi động, không thể so bì được với “thế kỷ vàng” XX.

Việc có nhiều lý thuyết phê bình văn học giúp việc soi chiếu, lý giải tác phẩm văn chương được cụ thể hơn, sâu sắc hơn ở cả ba góc độ tác giả, văn bản, người đọc. Nếu trước đây người ta nghĩ rằng tác giả là người sáng tạo ra mọi ý nghĩa, vẻ đẹp trong tác phẩm nhưng khi thuyết người đọc xuất hiện đã chứng minh thuyết phục rằng người đọc ở mỗi thời đại cung cấp thêm nghĩa mới, làm tác phẩm "giàu có" hơn. Đại thi hào Nguyễn Du từng có một nỗi niềm trăn trở vĩ đại trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký”: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Khi viết hai câu thơ bất hủ này, Nguyễn Du dường như chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mai hậu thế có ai đồng cảm với số phận con người thời đại mà ông chính là nhân chứng, một “thư ký của thời đại” ghi lại những vui buồn, thăng trầm. Có lẽ, điều ông không ngờ là suốt mấy trăm năm sau, không chỉ bạn đọc Việt Nam mà bạn đọc nước ngoài, từ giới siêu độc giả đến độc giả bình thường đều say sưa đọc, bình luận, phân tích và cấp thêm nhiều ý nghĩa mới cho các tác phẩm của ông. Chỉ riêng “Truyện Kiều” thôi đã xem “phép thử” của mọi lý thuyết phê bình văn học khi du nhập vào Việt Nam. Và kết quả là “Truyện Kiều” có giá trị nhân đạo, có tính nữ quyền, có đặc trưng tiểu thuyết, ẩn chứa nhiều ẩn ức phân tâm học… Như đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bính được học giả Phan Ngọc phân tích kỹ lưỡng và chỉ ra đó thực chất là một đoạn độc thoại nội tâm tương tự như thủ pháp trong tiểu thuyết hiện đại.

“Truyện Kiều” hay bất cứ tác phẩm văn học lớn nào, để phân tích và lý giải, làm sâu sắc hơn giá trị tác phẩm, tất yếu phải nghiên cứu liên ngành. Nghiên cứu liên ngành là nghiên cứu liên khoa học, là sự kết hợp các môn học, các ngành học với nhau. Đó là sự tổng hợp tri thức của nhiều lĩnh vực và nhiều ngành học, là quá trình liên kết, thiết lập các mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau giữa những phương pháp và quy trình của nhiều chuyên gia khác nhau. Bởi vậy, nghiên cứu liên ngành khác với tiếp cận chuyên ngành là sử dụng các phương pháp và quy trình của nhiều chuyên ngành một cách riêng biệt, độc lập.

Trong thế kỷ XX, sự chuyên môn hóa trong nhiều lĩnh vực là một xu thế nổi trội, ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý, tinh thần thực nghiệm khoa học. Phê bình văn học là lĩnh vực khoa học nên không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Có những lý thuyết phê bình văn học như hình thức luận xuất hiện đầu thế kỷ XX có tham vọng to lớn thiết lập khoa học văn chương, nghiên cứu tính văn chương trong tác phẩm, gạt bỏ đi những ảnh hưởng của chính trị, văn hóa, tôn giáo… Do quá đề cao thủ pháp nên những người theo chủ nghĩa hình thức rơi vào cực đoan cho rằng nhà văn chỉ cần hiểu rõ các thủ pháp là có ngay “chìa khóa vạn năng” để tạo dựng tác phẩm nghệ thuật; dẫn đến biến nhà văn không khác người thợ thủ công làm theo sản phẩm mẫu. Không đồng tình với nhận định đó, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học lại chứng minh tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ nhưng cũng không thể tách rời khỏi ảnh hưởng xã hội, nhất là thời đại văn hóa, dẫu là tác phẩm giả tưởng, huyễn tưởng đi chăng nữa. Do vậy, phê bình văn học nhất thiết phải phối hợp nhiều ngành khoa học để lý giải tác phẩm theo nhiều chiều, vừa cụ thể vừa toàn diện.

Để có thể phê bình văn học theo hướng liên ngành đạt thành tựu, vai trò của nhà phê bình rất quan trọng. Tại Việt Nam, lâu nay xem nhà phê bình chỉ đóng vai trò “người phán xử” khen hay chê tác phẩm, mà sự khen chê đôi khi rất cảm tính và đầy võ đoán. Nhà phê bình văn chương hiện nay muốn tạo được uy tín, được văn giới kính nể đương nhiên phải trang bị cho mình kiến thức về lịch sử, văn hóa, triết học, lý luận văn học…; bởi lẽ lý thuyết phê bình văn học đều thoát thai từ thành tựu của các lĩnh vực trên. Nhà phê bình còn phải có sự trực giác thẩm mỹ để phát hiện trong tác phẩm văn học có “trữ lượng” thẩm mỹ như thế nào; từ đó mới sử dụng các lý thuyết phê bình, tạo lập các bộ công cụ để phân tích tác phẩm “gẩy” ra những góc nhìn chưa ai phát hiện. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu La Khắc Hòa áp dụng ký hiệu học văn hóa, ngữ học, phân tâm học… để phân tích lại những nhà văn vốn đã được phân tích đến “sờn mòn” như Nguyễn Tuân. Trong bài viết “Nguyễn Tuân-nhà văn của các hình dung từ”, La Khắc Hòa chỉ ra văn chương Nguyễn Tuân thiên về miêu tả đối tượng hơn là kể về đối tượng. Bởi vậy, sở trường của Nguyễn Tuân giỏi tùy bút, thậm chí khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết cũng có phong cách giống tùy bút. Để chứng minh đặc điểm của kiểu văn hình dung từ, La Khắc Hòa sử dụng 4 phạm trù mỹ học trung đại (kỳ, quái, chí, tuyệt) để phân tích đời văn Nguyễn Tuân một cách sắc sảo mà không kém phần thú vị. Rõ ràng không có kiến văn rộng, không có sự phối hợp nghiên cứu liên ngành thì nhà phê bình La Khắc Hòa không thể có một bài viết hay, có góc nhìn mới mẻ về văn chương Nguyễn Tuân được.

Dẫu rằng hiện nay, có ý kiến cực đoan phủ nhận vai trò của lý thuyết văn học, chẳng khác nào phủ nhận vị trí của phê bình văn học trong đời sống văn chương. Song thực tế sinh động chứng minh, thành tựu phê bình văn học tích lũy hơn trăm năm qua vẫn tỏ ra hữu ích nếu được kết hợp hiệu quả sẽ tiếp tục phát hiện vẻ đẹp ẩn giấu trong tác phẩm văn chương.

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-tat-yeu-cua-nghien-cuu-lien-nganh-trong-van-hoc-592649