Tỉnh Quảng Ngãi đồng hành cùng BSR tháo gỡ khó khăn

Ngày 20/4/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) để bàn các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn của BSR do đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.

Đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội báo cáo các khó khăn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BSR nêu rõ: do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm trước đó. Trong quý I/2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, cộng thêm khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư cung so với cầu khoảng 35%. Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu và có nguy cơ dừng nhà máy. Có những thời điểm, tồn kho của NMLD Dung Quất trên mức 90%, buộc BSR phải gửi hàng tại các kho chứa nhằm duy trì nhà máy vận hành an toàn, liên tục.

Bên cạnh tác động của dịch bệnh Covid-19, các NMLD trên thế giới nói chung và BSR nói riêng còn chịu sự tác động của giá dầu lao dốc không phanh khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Dầu thô được mua từ trước với giá cao, sản phẩm chế biến ra không bán được do nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến tồn kho sản phẩm tăng nên khi giá dầu lao dốc, BSR đã bị tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack margin) bị thu hẹp rất nhiều, thậm chí nhiều thời điểm giá các sản phẩm xăng dầu thấp hơn giá dầu thô nguyên liệu, đặc biệt giai đoạn từ nửa cuối tháng 2/2020 đến nay, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty càng giảm mạnh.

Với tất cả nguyên nhân trên, kết quả sản xuất kinh doanh của BSR quý I không đạt như kỳ vọng. BSR đã sản xuất 1,7 triệu tấn, doanh thu đạt 18.091 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.732 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2.332 tỷ đồng.

Để đối phó với tác động kép này, BSR đã thành lập ban chỉ đạo cấp Công ty nhằm đưa ra các gói giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, cũng giống như hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác trên cả nước, nội lực doanh nghiệp không thể tự vực dậy nếu không có sự trợ giúp, hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền.

Đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch triển khai công tác bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 4 NMLD Dung Quất. Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, BSR phải lùi thời gian BDTT lần 4, ngày dự kiến triển khai mới là 27/7/2020 đến 16/9/2020. Để thực hiện công việc này, BSR cần huy động huy động lượng nhân sự lớn (khoảng hơn 350 chuyên gia nước ngoài và khoảng 3.000 - 4.500 nhân công/ngày) làm việc tại công trường và trong không gian hẹp. Trong đó, nhiều chuyên gia sẽ bắt đầu làm việc từ giữa tháng 5/2020 để thực hiện công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, chính sách hạn chế đi lại, cấp thị thực cho người nước ngoài đang cản trở BSR.

BSR đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một số giải pháp như: Tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 để hỗ trợ sản xuất trong nước và ổn định thị trường. Hỗ trợ các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế. Kiến nghị xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Miễn tiền thuế bảo vệ môi trường do đốt FO phục vụ quá trình vận hành sản xuất.

BSR kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi có thêm ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ cấp visa cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam thực hiện công tác BDTT, bắt đầu từ ngày 15/5/2020. BSR mong muốn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở ban ngành hỗ trợ công ty trong công tác phòng, chống dịch khi các chuyên gia nước ngoài sang làm việc như cơ sở cách ly, công tác hậu cần, xét nghiệm y tế,…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Trần Ngọc Căng phát biểu: NMLD Dung Quất có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng BSR tháo gỡ các khó khăn.

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau cuộc họp này, tỉnh sẽ có văn bản nêu bật các khó khăn của BSR để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian tới, tỉnh đồng hành cùng BSR tháo gỡ 2 nhóm vấn đề chính: đó là BDTT và mặt bằng cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phát biểu chỉ đạo

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết: Trong 10 năm qua và thời gian tới, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả sản xuất kinh doanh của BSR. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị BSR triển khai mạnh mẽ các giải pháp, tận dụng các cơ hội để từng bước giảm lỗ và đạt được mức lợi nhuận tốt hơn trong thời gian còn lại của năm 2020. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở,ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi tích cực nghiên cứu và hỗ trợ BSR trong điều kiện có thể.

BSR cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu chuyên gia và nhân sự lao động cho BDTT lần 4; trên cơ sở đó, các sở ngành Quảng Ngãi sẽ trợ giúp các công việc khác như kiến nghị cấp visa, hỗ trợ nơi cách ly tập trung, thực hiện các biện pháp y tế,…Về hoạt động sản xuất kinh doanh, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành giải quyết sớm các khó khăn của BSR.

Thành Lê

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/tinh-quang-ngai-dong-hanh-cung-bsr-thao-go-kho-khan-127637