Tình nhạt chợ chiều

Cơm nước xong, chị nhẹ nhàng bảo anh: 'Sáng mai em về nhà, anh cứ ở đây đến lúc nào rời đi cũng được. Tiền nhà em đã trả hết tháng'. Anh thờ ơ trả lời bằng một câu cụt lủn: 'Ừ'. Chị quay lên phòng ngủ sắp xếp quần áo vào 2 vali lớn. Chỉ còn một đêm nay thôi, anh chị sẽ chia tay, mỗi người lại trở về ngôi nhà của mình.

Anh chị đã lớn tuổi và quen nhau qua một CLB khiêu vũ tuổi trung niên. Chị ly hôn đã lâu, vợ anh cũng khuất bóng được vài năm. Cuộc sống kinh tế của hai người đều dư dả, không phải lo nghĩ về miếng cơm manh áo. Chị đẹp và trẻ hơn so với độ tuổi rất nhiều. Môn khiêu vũ khiến chị có thân hình chuẩn mà nhiều cô ít tuổi phải mơ ước. Anh phong độ, khéo nói và biết cách chiều chuộng phụ nữ. Hai người hợp nhau qua từng điệu nhảy dìu dặt lẫn lời ăn tiếng nói. Dần dà, họ thân nhau trên mức tình bạn. Các bạn trong CLB ai cũng mừng cho hai người tìm thấy hạnh phúc khi tuổi xế chiều.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Việc thuyết phục các con của hai bên cũng không gặp bất cứ trở ngại nào lớn. Có điều, con gái chị cảm thấy hơi lo ngại vì sợ mẹ của mình phải vất vả. Sau bữa cơm thân mật của hai gia đình gặp mặt buổi đầu, con gái ôm mẹ thì thầm: “Mẹ nghĩ kỹ chưa? Có nhất thiết phải về sống chung với nhau không? Hay là mẹ với bác vẫn ai ở nhà nấy, thi thoảng đi chơi, đi ăn uống, cà phê, nhảy nhót cho vui là được?”. Chị đang ngất ngây trong men tình nên bảo con: “Nhưng mà như thế chỉ là bạn thôi, phải về sống chung mới có cảm giác ấm cúng gia đình chứ”.

Để không phiền đến các con của cả hai bên, anh chị quyết định thuê một căn chung cư để ở, tiền nhà chia đôi. Những ngày đầu về chung sống, hai người đắm say trong mật ngọt tình yêu. Đi đâu cũng ríu rít như đôi chim câu. Các con và bạn bè đều mừng cho họ.

Thời gian trôi, qua mấy tháng sống chung, chị bắt đầu cảm thấy không ổn. Buổi sáng, chị cần không gian yên tĩnh để thiền thì anh lại thích mở nhạc sôi động để tập nhảy. Nếu nhắc nhở thì anh bảo: “Mỗi người có ý thích riêng, nếu em thích thiền thì nên đến chùa hoặc công viên. Buổi sáng anh phải tập nhảy cho giãn gân cốt”. Các món ăn cũng hai người hai ý, mặn nhạt chênh nhau gây ra không vui trong bữa cơm.

Nhà anh giỗ chạp nhiều. Mấy tháng ở với nhau, tháng nào nhà anh cũng có đám giỗ. Những ngày đó, chị phải về nhà anh, đi chợ từ sáng sớm, hì hục nấu nướng, bày biện. Mấy cô con dâu, con gái nhà anh chỉ lượn và “soi” xem chị làm có chuẩn không. Chị làm đau gãy cả lưng, anh chả được một câu hỏi thăm, quan tâm.

Tuổi xế chiều, ai cũng có lúc mệt mỏi do trái gió trở trời. Những khi anh bị ốm, chị nấu cháo, chăm sóc ân cần mà anh vẫn cứ cáu nhàu nhạu. Ấy vậy mà khi chị bị ốm thì anh hờ hững, còn tỏ thái độ theo kiểu “ốm gì mà lắm thế”. Có lần, chị bị sốt cao nhưng anh vẫn đến CLB khiêu vũ theo đúng lịch. Chị nằm đó, khát khô cổ, cốc nước chỉ ở cách đó vài bước chân mà không thể đến lấy được vì chóng mặt. Nước mắt giàn giụa, chị thầm nghĩ: “Giá như lúc này ở nhà, mình chỉ cần gọi một câu, con bé Tít sẽ chạy vào lấy nước cho bà ngay. Và, chị nhớ bát cháo cá nóng hôi hổi của con dâu, con gái nấu mỗi khi mẹ ốm”. Sau khi suy nghĩ kỹ, chị đã quyết định nói lời chia tay. Anh hơi bất ngờ nhưng cũng đành phải đồng ý.

Sáng mai, hai người sẽ lại chia hai ngả. Chị chợt nhận ra, tình nhạt chợ chiều chỉ thế mà thôi.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-nhat-cho-chieu-195136.html