Tình người trong mưa lũ

Tôi vừa đi miền Trung về. Đi đúng vào đợt dải đất mong manh gầy guộc của Tổ quốc đang oằn mình gánh chịu liên tiếp những trận mưa lũ lịch sử khiến hàng vạn người trong phút chốc rơi vào cảnh màn trời chiếu đất; đói ăn, khát uống, thậm chí mất sạch tài sản trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ người dân bị mưa bão tìm nơi tránh trú an toàn

Hiện thực tàn nhẫn khó có thể tưởng tượng nếu không tận mắt chứng kiến bởi khắp nơi là biển nước mênh mông trắng xóa. Cảm giác lúc này con người thật nhỏ bé và yếu ớt tưởng như không thể vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo.

Vậy nhưng, vượt lên tất cả, tình người đã tỏa sáng rực rỡ, bao trùm cả bầu trời u ám, thắp sáng mọi niềm tin về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc đồng loại của người dân cả nước được phát huy hết mức từ những hành động giản dị, khiêm nhường nhưng vô cùng thiết thực.

Trong cơn hoạn nạn, bên cạnh cảm giác xót xa trước hoàn cảnh của đồng bào là cảm giác xúc động đến dâng trào bởi bất kể ngày đêm là rùng rùng những đoàn xe chở hàng cứu trợ nối đuôi nhau hướng về khúc ruột miền Trung đang từng ngày quặn thắt. Khung cảnh hào hùng như ngày nào đất nước chứng kiến từng đoàn quân tấp nập lên đường vào Nam chiến đấu.

Không xúc động, tự hào sao được nếu biết cứ mươi chiếc xe qua lại tuyến đường thiên lý Bắc Nam thời điểm ấy thì có đến 3-4 chiếc lặc lè hàng hóa với dòng chữ “Hướng về miền Trung ruột thịt”...

Không xúc động, tự hào sao được khi gần như toàn bộ trạm thu phí trên chặng đường mấy trăm cây số qua miền Trung đều giương cao tấm biển “Miễn phí xe chở hàng cứu trợ”. Các trạm xăng cũng nhiệt tình hỗ trợ mỗi chiếc xe cứu trợ 300 nghìn đồng một lượt đổ xăng. Rồi nhiều tiệm cơm lưu động, xe chở nước uống, đồ ăn nhanh miễn phí xuất hiện ở khắp nơi phục vụ bà con nhân dân và người đi cứu trợ.

Trên hành trình hướng tới miền Trung, tại địa phận huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – một trong những khu vực bị ngập nặng nhất với gần 100% các căn nhà chìm trong nước lũ, tôi nhớ mãi hình ảnh lấm lem bùn đất của một cụ ông tầm 80 tuổi.

Cảm động trước tấm chân tình của bà con cả nước với đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn, cụ bảo: "Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác quanh đây gần như mất sạch tài sản bởi thiên tai và có lẽ sau khi nước rút, đến nhà chúng tôi cũng không còn để mà về. Thế nhưng, chứng kiến từng đoàn người từ khắp nơi trên cả nước ùn ùn đổ về cứu trợ, chúng tôi hiểu rằng mình không bao giờ bị bỏ mặc trong bất cứ hoàn cảnh nào"...!

Vào miền Trung những ngày này mới thấy, có lẽ chưa bao giờ tình người dâng cao đến thế. Đường tắc vì hàng đoàn xe cứu trợ nối dài nhưng ai cũng kiên nhẫn và sẵn lòng chờ đợi. Tại các trạm trung chuyển, các bến đò, lối vào những vùng bị nước lũ cô lập, đủ các thành phần, tổ chức, cá nhân chủ động đứng ra điều tiết giao thông, phân phối hàng hóa để chuyển nhanh nhất đến nơi cần đến.

Đặc biệt, gần như toàn bộ ca nô, thuyền máy, bè mảng của người dân được huy động ứng trực để chở người và các đoàn cứu trợ tỏa về các khu vực khó tiếp cận. Được biết, phần lớn người lái thuyền là tình nguyện. Nhiên liệu cho thuyền và đồ ăn cho người cũng được phục vụ miễn phí...

Tình cảm đong đầy, những ngày lũ gần rút, hàng cứu trợ vẫn ùn ùn đổ về không ngừng. Đến mức, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải đề nghị các tổ chức, cá nhân tạm dừng cung cấp hàng hóa cho người dân bị thiệt hại do mưa bão. Thay vào đó là lên phương án triển khai các biện pháp phục vụ sinh kế cho đồng bào sau lũ.

Tin rằng, gian nan như lúc nước lũ đang hoành hành dữ dội, người dân cả nước còn sẵn sàng lao vào điểm nóng để chia sẻ với đồng bào thì sau lũ, tình cảm ấy sẽ còn dâng tràn hơn nữa. Chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Chắc chắn, sau cơn mưa trời lại sáng. Nhất định mọi người dân miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ sẽ có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở và sinh kế lâu dài!

Bài, ảnh: Nam Dương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tinh-nguoi-trong-mua-lu-80218