Tình người trong hoạn nạn

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, khó lường. Nhiều điểm dịch bùng phát trên thế giới cũng là nơi có nhiều người lao động và du học sinh Việt Nam. Do đó, vấn đề bảo hộ công dân đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời điểm này.

Các tình nguyện viên chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người đến tá túc ở chùa Nisshinkutsu. Ảnh: Reuters

Các tình nguyện viên chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người đến tá túc ở chùa Nisshinkutsu. Ảnh: Reuters

Việc phối hợp với nước bạn, hỗ trợ người Việt ổn định tâm lý và cuộc sống trong thời gian chờ có thể hồi hương cũng là một phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo hộ công dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã cùng với các tổ chức xã hội như Hội Phật tử Việt Nam kêu gọi quyên góp, phân phát gần 20.000 phần quà, chủ yếu là lương thực, thực phẩm cho những người Việt Nam đang gặp khó khăn. Đại sứ quán cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản có biện pháp hỗ trợ, như gia hạn visa cho cộng đồng người Việt, chuyển đổi visa lao động, hỗ trợ tài chính và điều trị y tế. Những người khó khăn nhất được ưu tiên đăng ký lên trước ở các chuyến bay về nước.

Anh Đỗ Văn Tú đã tốt nghiệp trường tiếng Nhật vào tháng 4 vừa qua nhưng chưa thể trở về nước do dịch bệnh. Không tìm được việc làm thêm, cũng không có chỗ ở, anh phải lên chùa Nisshinkutsu nương náu trong mấy tháng qua. “Tôi đã hết hạn thẻ sinh viên nên không đi làm thêm được nữa. Biết đến chùa qua Facebook; thấy ở đây có các hoạt động thiện nguyện nên tôi đã xin địa chỉ và đến nương náu ở đây chờ ngày hồi hương” - anh Tú chia sẻ. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, theo thông lệ, cứ mỗi tháng, số thực tập sinh hết hợp đồng phải về nước vào khoảng 2.000 đến 3.000 người.

Cùng chung hoạn nạn với các du học sinh có nhiều lao động người Việt, như trường hợp của chị Lương Thị Tư, 22 tuổi, làm công cho một khách sạn ở Tokyo. Mùa dịch bệnh, khách sạn đóng cửa, nhân viên bị sa thải không có chỗ ở. Chị Tư buộc phải rời khỏi ký túc xá, may mắn gặp cô Jiho Yoshimizu, thành viên một nhóm hỗ trợ lao động Việt Nam, đón về chùa Nisshinkutsu. “Tôi cảm thấy biết ơn vì được ở lại đây”, chị Tư trải lòng.

Trước đây, công việc thường xuyên của các sư cô ở chùa là làm lễ cầu siêu; hiện tại, họ chuyển sang phân phát các gói hàng cứu trợ và mở rộng cửa giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận. Theo hãng tin Reuter, năm 2011, chùa Nisshinkutsu cũng tiếp nhận nhiều người Việt mất nhà cửa trong thảm họa động đất - sóng thần ở miền Bắc Nhật Bản. Trong năm 2019, chùa đã giúp đỡ hơn 400 trường hợp và con số này tăng vọt kể từ tháng 4-2020. Tại ngôi chùa này, người lao động Việt được học tiếng Nhật, nấu ăn, tìm việc làm...

Người Việt là nhóm lao động nước ngoài tăng mạnh nhất tại Nhật Bản gần đây, với hơn 410.000 người vào năm 2019, tăng 24,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, nhiều người đến Nhật làm du học sinh hoặc thực tập sinh đồng nghĩa với việc họ phụ thuộc rất nhiều vào người thuê và có nguy cơ bị lạm dụng cao. Nhiều sinh viên cũng không có bảo hiểm lao động.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tinh-nguoi-trong-hoan-nan-676848.html