Tình người nơi phố núi

Nhắc đến 'Mái ấm dành cho trẻ khuyết tật' của bà Phạm Thị Hồng ở phường Ia Kring, TP Pleiku (Gia Lai) không ai là không biết. Bởi, hàng chục năm qua trong căn nhà nhỏ của mình, bà Hồng đã cưu mang những đứa trẻ khuyết tật, câm điếc bẩm sinh không may bị bỏ rơi, không nơi nương tựa...

Niềm hạnh phúc của bà Hồng khi chứng kiến “các con” lớn lên từng ngày

Bà Phạm Thị Hồng năm nay 62 tuổi, nhưng bà đã có quãng thời gian 33 năm chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, không may bị bỏ rơi. Trong đó, ở phố núi Pleiku bà có thời gian hơn 20 năm gắn bó. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hồng tâm sự: Bà gắn bó với trẻ em khuyết tật, chậm phát triển từ năm 1987, sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục cho trẻ em đặc biệt do nước ngoài đào tạo, bà Hồng có thời gian giảng dạy cho trẻ em mù ở TP.HCM. Đến năm 1999, qua thông tin tìm hiểu, bà Hồng được biết ở Tây Nguyên chưa có nơi nào cưu mang những đứa trẻ khuyết tật, do vậy bà quyết định chuyển hẳn lên Tây Nguyên, chọn Pleiku làm bến đỗ và tạo ra mái ấm, nơi che mưa chắn nắng, cưu mang những đứa trẻ này.

Bà Hồng kể, thời gian còn giảng dạy những đứa trẻ câm điếc bẩm sinh, mắc hội chứng Down ở TP.HCM, gia đình bà không ít lần cấm cản. Thêm vào đó, khi biết bà Hồng có ý định chuyển lên Tây Nguyên, mẹ của bà khóc liền mấy đêm vì không chịu nổi cú sốc này. Tuy nhiên, chính vì tình yêu thương đối với những đứa trẻ khuyết tật đã giúp bà có thêm động lực, vượt qua mọi cấm, cản của gia đình. “Tâm nguyện của mẹ là muốn tôi có tổ ấm gia đình riêng của mình, mẹ tôi không muốn cả đời tôi chỉ chăm chăm vào những đứa trẻ không ruột thịt. Tuy nhiên, tôi từng nói với bà là tôi có thể bỏ gia đình nhưng nhất quyết không thể bỏ rơi những đứa trẻ không may mắn này được. Mãi đến khi tôi lên Tây Nguyên được mấy năm, năm 2005 gia đình tôi mới chấp nhận sự lựa chọn của tôi”, bà Hồng bộc bạch.

Ngày mới thành lập, vì không có tên tuổi, bảng hiệu nên ít người biết đến, bà Hồng phải tự bỏ tiền túi ra để nuôi nấng các con. Lúc đó, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cứ thế cả cô trò sống qua ngày. Dần dần, cảm phục tấm lòng của bà Hồng nên nhiều người lui tới ủng hộ, cho lương thực để duy trì mái ấm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hơn 20 năm nay bà Hồng quyết tâm không nhận sự ủng hộ bằng tiền mặt từ bất kỳ nhà hảo tâm nào. Dù vất vả, khó khăn muôn phần, thế nhưng ngần ấy năm gắn bó, bà Hồng chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đối với bà Hồng, những đứa trẻ ấy không chỉ là học trò đặc biệt mà còn là những người con, người cháu mà bà hết mực yêu thương.

Mái ấm của bà Hồng hiện cưu mang 42 em đang theo học. Trong số này có 16 em chậm phát triển, 10 trẻ mắc hội chứng Down, 8 em câm điếc và 8 em tự kỷ. Bà tập cho các em lớn chăm sóc các em nhỏ, biết làm công việc nhà và tự giác chăm lo cho bản thân.

Để chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, với những đứa trẻ đặc biệt này lại càng khó khăn muôn phần. Khi thì la hét, khi khóc lóc, khi lại thích ngồi một mình, mỗi em lại có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau, chỉ cần không vừa ý cũng có thể nổi nóng ngay, việc này đòi hỏi bà Hồng phải thật sự kiên nhẫn và bao dung. “Ở mái ấm này, mỗi em một tính cách nên bản thân mình phải hiểu được tâm lý, cử chỉ mỗi lúc phát bệnh để có thể kịp thời kìm các em lại. Nhiều lúc tôi phải tự biến mình thành một đứa trẻ để có thể chơi đùa, tâm sự, làm bạn với các em”, bà Hồng chia sẻ.

Niềm hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ này có lẽ là chứng kiến sự trưởng thành của các em qua từng ngày. Và trong quãng thời gian ấy, đã có không ít lần, bà Hồng đứng ra làm chủ hôn, xe duyên cho những đứa con của mình. Và cũng chính trong mái ấm này, những đứa trẻ đáng yêu, may mắn được chào đời trong vòng tay âu yếm và tràn ngập yêu thương của cả “gia đình”. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của mình, bà Hồng vẫn còn nỗi niềm băn khoăn, trăn trở. Đó là làm sao để các em khi lớn lên sẽ có công việc tự nuôi sống bản thân. “Đối với mình, không phải lo cơm ăn chỗ ngủ, học hành cho các em là đã xong. Mình còn muốn các em khi lớn lên phải được xã hội công nhận, có việc làm trong khả năng để có thể tự lo cho bản thân”, bà Hồng suy tư.

Niềm hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ này có lẽ là chứng kiến sự trưởng thành của các em qua từng ngày. Và trong quãng thời gian ấy, đã có không ít lần, bà Hồng đứng ra làm chủ hôn, xe duyên cho những đứa con của mình. Và cũng chính trong mái ấm này, những đứa trẻ đáng yêu, may mắn được chào đời trong vòng tay âu yếm và tràn ngập yêu thương của cả “gia đình”. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của mình, bà Hồng vẫn còn nỗi niềm băn khoăn, trăn trở.

NGỌC HÒA

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/artmid/424/articleid/39554/tinh-nguoi-noi-pho-nui