Tình người… không cách ly với Từ Nguyên Thạch

Tình người cách ly muốn nhắn nhủ là hãy giữ lấy, vun đắp tình người. Vì chỉ có tình người mới giúp nhân loại chiến thắng dịch bệnh COVID-19.

Có lẽ Tình người cách ly là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất có đề tài viết về đại dịch toàn cầu COVID-19.

Tình người… không cách ly

Từ Nguyên Thạch vừa ra mắt độc giả truyện dài Tình người cách ly do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm muốn truyền đi thông điệp: Tình người chiến thắng dịch bệnh!

Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Từ Nguyên Thạch. Ảnh: FBCN

Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Từ Nguyên Thạch. Ảnh: FBCN

“Chúng ta đang sống qua những ngày thật kỳ lạ”, tác giả Tình người cách ly nói.

Cuộc sống đang bình yên bỗng trở nên bị xáo trộn hết mọi thứ. Virus corona lan nhanh khắp thế giới với tốc độ khủng khiếp. Mỗi sáng đọc tin có hàng ngàn người chết làm chúng ta kinh hoàng.

Mọi hoạt động ngày thường đều phải ngưng lại. Rồi đến một ngày chính chúng ta được yêu cầu không ra khỏi nhà. Dịch bệnh COVID-19 đã đến trước ngõ. Hoảng sợ. Rối bời. Những ngày tới sẽ ra sao? Thật không dễ có câu trả lời.

“Những câu chuyện lạ lùng thời khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 không thể không ghi lại”, tác giả chia sẻ.

'Tình người cách ly' là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất có đề tài viết về đại dịch toàn cầu COVID-19.

Truyện lấy bối cảnh tại một khu cách ly tập trung ở TP.HCM. Trong thời gian 14 ngày, hơn 5.000 người từ nhiều nơi trên thế giới đổ về chạy trốn dịch bệnh COVID-19.

Họ gồm đủ thành phần: sinh viên, nhà giáo, doanh nhân, người đi hợp tác lao động… Họ là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người đau ốm hay nghiện ngập.

Dù họ có hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau nhưng đều có chung trong lòng sự sợ hãi, nỗi hoang mang và cả nghi ngờ, tuyệt vọng.

Bên cạnh họ, một đội ngũ những người thầy thuốc, dân quân và tình nguyện viên làm việc một cách cật lực để vừa phòng, trị bệnh vừa phục vụ miếng ăn, giấc ngủ cho họ.

Tình người giúp nhân loại chiến thắng dịch bệnh

Trong một không gian dồn nén, cuộc sống của họ gần như bị đảo lộn. Mọi tình cảm, tính cách đều bộc lộ, thể hiện.

Một số không thể giữ thăng bằng cuộc sống đã rơi vào trầm cảm hoặc mượn rượu, thậm chí ma túy để tìm quên. Khu cách ly tập trung với họ trở thành nỗi ám ảnh.

Nhưng cũng chính từ trong nguy khó đã xuất hiện những con người sống có trách nhiệm, hết lòng vì mọi người. Họ mang lại niềm tin, xua tan tuyệt vọng. Họ làm cho những ngày sống trong khu cách ly tập trung thành những ngày đáng nhớ, những ngày kỳ diệu.

Giữa làn ranh cái chết và sự sống, họ nhận ra giá trị của sự sống. Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi quan niệm của họ về cuộc đời.

Tất cả những sự kiện xảy ra trong khu cách ly được dẫn dắt bởi một câu chuyện tình đẹp, lãng mạn.

Và cuối cùng, điều mà tác phẩm muốn nhắn nhủ là hãy giữ lấy, vun đắp tình người. Vì chỉ có tình người mới giúp nhân loại chiến thắng dịch bệnh.

Đặc biệt cũng chỉ tình người nên mục đích viết sách của tác giả không phải vì lợi nhuận. Toàn bộ tiền lãi bán sách sẽ được dùng hỗ trợ các hoạt động phòng chống COVID-19 của TP.HCM.

Không thể không viết ra

Trên tráng cá nhân, tác giả Từ Nguyên Thạch chia sẻ câu chuyện về sự ra đời truyện dài Tình người cách ly.

Tác giả viết: "Có quá nhiều câu chuyện không thể không viết ra khi đại dịch bệnh COVID-19 ào đến, cuộc sống thường ngày bị đảo lộn.

Dãy phố quen thuộc của tôi mới hôm qua còn nhộn nhịp giờ nhà ai cũng cửa đóng then cài. Tôi đi qua ngơ ngác vì không một bóng người. Chỗ cà phê tôi ngồi mỗi sáng giờ biến mất.

Đi ngang cổng trường vắng lặng. Lũ trẻ trốn đâu hết rồi để cây phượng già cô đơn thả rơi những tàn phượng đỏ.

Nhà máy đóng cửa, sân bay vắng bóng người, bến xe đìu hiu… Khắp nơi tất cả như hoang mạc.

Nhân loại đang sống qua những giờ khắc lạ lùng của lịch sử. Mỗi sáng ra có thêm hàng vạn ca nhiễm, hàng ngàn người ra đi. Sự buồn đau, sợ hãi, lo âu bóp nghẹt mỗi con tim.

Nhưng trong những giờ phút khó khăn nhất, giữa lằn ranh cái sống và chết đã xuất hiện nhiều câu chuyện cao đẹp về tình người.

Đó là chuyện một người bệnh trẻ tự nhường máy thở cho người bệnh lớn tuổi; chuyện người bác sĩ biết mình có thể bị lây nhiễm nhưng quyết không rời bỏ những bệnh nhân của mình; chuyện những người dân cách ly cùng vỗ tay để xua đi sự sợ hãi; chuyện người trong khu phố cùng thắp nến cầu nguyện dịch bệnh chóng qua…

Vâng, khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu có quá nhiều câu chuyện không thể không viết ra, không thể không ghi lại.

Truyện Tình người cách ly đã được viết ra như thế. Tiền lãi bán sách sẽ hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM".

Bài thơ ca ngợi thiên thần Áo trắng

Xuật thân là mọt nhà giáo rồi nhà thơ để lại có duyên với nhà báo. Khi nghỉ hưu nghề báo ở báo Pháp Luật TP.HCM , Từ Nguyên Thạch mới dành toàn bộ thời gian trở lại nghiệp viết văn. Và truyện dài Tình người cách ly ra mắt đúng tính thời sự của đại dịch COVID-19.

Hai người bạn văn Vũ Trọng Quang và Nguyễn Thiện đã giới thiệu 'Tình người cách ly' trên trang cá nhân.

Trong truyện dài này, tác giả không quên những thiên thần Áo trắng nên anh dành tặng bài thơ ca ngợi họ.

Vì giấc ngủ của tôi

Anh/ Em đã thức nhiều đêm

Vì cơn đâu của tôi

Anh/ Em đã thức nhiều đêm

Anh/ Em cho tôi niềm tin

Khi nhìn vào đôi mắt

Trong vũng tối u buồn

Một mặt trời sẽ mọc

Trên bàn tay của tôi

Nở một cành hoa trắng

Xua tan đi u tối

Của dịch bệnh dâu buồn

Anh/ Em những người áo trắng

Là hy vọng của tôi

Anh/ Em người hùng áo trắng

Là tự hào của tôi

Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Từ Nguyên Thạch

Từ Nguyên Thạch nguyên là nhà báo viết về mảng giáo dục, xã hội và sau này là biên tập viên trên báo Người Lao động, Pháp Luật TP.HCM.

Anh cũng là một tác giả quen thuộc của những bài thơ, truyện ngắn in trên các báo, tạp chí TP.HCM và cả nước từ sau 1975.

NGUYỄN TÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-tri/xem-nghe-doc/tinh-nguoi-khong-cach-ly-voi-tu-nguyen-thach-917060.html