Tình người đắt đỏ từ chuyện cậu trò nghèo bị giữ học bạ

Chỉ vì nghèo, không có tiền nộp quỹ mà học sinh bị giữ học bạ. Hiệu trưởng thậm chí vẫn luôn nghĩ mình làm đúng. Tình người, nghe sao đắt đỏ đến vậy hay sao?

Những ngày qua, câu chuyện cậu học trò nghèo sống với ông bà tại huyện Cư Jút, Đắk Nông) không có tiền để nộp quỹ, bị hiệu trưởng giữ lại học bạ, đã khiến dư luận không ngừng bức xúc xen lẫn xót xa.

Cụ thể, sau khi kết thúc năm học 2019-2020, do không có 550.000 đồng để đóng tiền quỹ nên Hiệu trưởng trường tiểu học Hà Huy Tập (Cư Jút, Đắk Nông) không trả học bạ chuyển cấp. Điều này khiến em Y H. Bkrông phải nghỉ học.

Mặc dù, khi hết năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của Y H. Bkrông đã trình bày hoàn cảnh gia đình của em rất khó khăn, nhưng hiệu trưởng vẫn kiên quyết giữ hồ sơ.

“Giữa cuộc họp và khi cơ quan chức năng về làm việc, tôi đều khẳng định Hiệu trưởng làm trái lương tâm đạo đức nhà giáo. Đáng lẽ, học sinh khó khăn thì thầy phải huy động để em được đi học, đây lại giữ học bạ lại để thu tiền”, cô giáo này bức xúc.

Cũng theo một số giáo viên khác, vị hiệu trưởng này khi thu tiền của học sinh, không viết biên lai thu tiền mà ghi vào sổ riêng.

Không những tạo ra rào cản trên còn đường đến trường của học trò, vị hiệu trưởng ấy còn mạnh miệng cho rằng: “Nguyên tắc đi học thì phải đóng tiền và đã thỏa thuận mọi vấn đề với nhà trường thì phải chấp nhận. Còn không đóng tiền thì chúng tôi có biện pháp để giữ… Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và tôi làm hoàn toàn đúng”.

Tôi cảm thấy rất tò mò, vì sao một người với tư duy và quan điểm như vậy lại có thể lựa chọn làm việc trong môi trường giáo dục? Chẳng những vậy, còn trở thành lãnh đạo, hiệu trưởng- người đứng đầu một trường?!

Em Y H. Bkrông kể lại vụ việc (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Em Y H. Bkrông kể lại vụ việc (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Trong khi, chính đại diện phòng GD&ĐT huyện Cư Jút cũng đã nhấn mạnh trước hành vi của vị hiệu trưởng này: Theo nguyên tắc học sinh học xong là phải trả hồ sơ. Quyền được học tập là quyền của các em, sao có thể giữ hồ sơ lại được? Nếu có vướng mắc gì thì phải làm việc với gia đình để tìm hiểu. Các khoản phụ thu này cũng chỉ để phục vụ lại trường, nếu cảm thấy học sinh khó khăn quá thì thôi hoặc kêu gọi giáo viên trong trường giúp đỡ.

Bất giác, tôi nhớ đến hình ảnh từng bắt gặp ở những điểm trường vùng khó khác. Nơi có những giáo viên tình nguyện gắn bó quá nửa đời người với những lớp học giữa mênh mông núi đồi, mà thậm chí đôi khi phải vượt suối, băng rừng giữa cơn lũ dữ. Nơi lớp học đôi khi chỉ lụp xụp mái tranh với vài ba bộ bàn ghế cũ kỹ giữa đỉnh mờ sương, nhưng giáo viên thức dậy từ sáng sớm để đến từng nhà đón học sinh đi học. Nơi có những giáo viên thậm chí tối tối phải đến từng nhà vận động cho học sinh đi lớp, phải dành quá nửa thời gian để cầm tay luyện chữ, luyện tính cho từng học trò. Nơi có những người thầy tự chắt bóp chi tiêu, dành dụm để bữa ăn của học sinh có thịt. Hay nơi có những vị hiệu trưởng tự bỏ tiền túi ra góp sức xây trường...

Những hình ảnh đẹp của giáo dục nơi “thâm sơn cùng cốc” vốn lay động hàng triệu tâm hồn người Việt, bỗng chốc bị sự tận thu của một người hiệu trưởng này làm danh tiếng nghề làm thầy bị đặt một dấu chấm cảm thán.

Trước đó, cũng đã có không ít “nỗi đau” mà học sinh phải hứng chịu khi có một hiệu trưởng không có tâm.

Chắc hẳn, không ai quên được những vị hiệu trưởng vì hám lợi cá nhân mà ăn chặn suất ăn bán trú của học sinh, không màng đến sức khỏe của thế hệ măng non.

Rồi chuyện hiệu trưởng bị tố ăn chặn tiền từ thiện, tiền hỗ trợ hộ nghèo của học sinh cũng không phải đã được “xóa sổ” hoàn toàn. Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ, từng bắt gặp hình ảnh rất thương: “Vào dịp đoàn công tác đến thăm một điểm trường vùng khó, sau khi ghi hình bữa ăn đủ dinh dưỡng của học sinh, một bé gái vội chạy đến, níu tay tôi. Cô bé mắt rơm rớm: Cô ơi, ngày nào cô cũng đến thăm trường còn nhé! Bởi vì có các cô đến thăm, thì bọn con mới được ăn thịt”. Nghe vậy, có ai không khỏi xót xa?!

Tình người vốn vô giá, nhưng đó là khi không có tiền bạc nào có thể so sánh được. Còn nếu học sinh phải mang tiền bạc ra để đổi lấy tình người từ thầy cô giáo, thì thứ tình người ấy lại trở nên thật đắt đỏ và bạc bẽo.

Không ít người sẽ có quyền đặt một dấu hỏi: Nền giáo dục sẽ đi về đâu khi còn có những vị trí hiệu trưởng vô cảm và thiếu phẩm chất nhà giáo một cách trầm trọng?

Tưởng tượng, những con người vừa không có tầm vừa chẳng có tâm như vậy sẽ đào tạo nên những thế hệ tương lai như thế nào. Nếu những hành vi vô cảm ấy còn tiếp tục tồn tại trong môi trường giáo dục, chỉ e, tình người sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ và khó có cơ hội hiện hữu trong cuộc sống.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Tiểu Chiến

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tinh-nguoi-dat-do-tu-chuyen-cau-tro-ngheo-bi-giu-hoc-ba-a517972.html