Tình nghệ sĩ kháng chiến

Nhân kỉ niệm 70 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của các hội Văn học nghệ thuật ngày nay, cuốn sách 'Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu' vừa được NXB Kim Đồng ra mắt. Sách tập hợp gần 200 bức ảnh nghệ thuật và tư liệu quan trọng nhất của Trần Văn Lưu về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp.

Ông Nguyễn Huy Thắng

Cuốn sách cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp song cuộc đời có phần bị khuất lấp. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Huy Thắng - một trong hai tác giả biên soạn cuốn sách.

PV: Thưa, mất bao lâu để ông hoàn thành cuốn sách này?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Với tất cả sự hào hứng của bản thân và sự cộng tác chặt chẽ của các đồng nghiệp ở NXB Kim Đồng, thời gian để hoàn thành cuốn sách chỉ già nửa năm. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ so với quãng thời gian tôi tìm hiểu về cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và thời đại của ông, để có được những hiểu biết giúp cho công việc biên soạn. Nếu không có những hiểu biết đó, những tư liệu sách báo cần thiết để “giải mã” những bức ảnh, “đọc” ra được nội dung của chúng, nhận biết được về người, về bối cảnh và thời gian của những bức ảnh đó thì tôi đã không thể làm, và cũng không dám nhận làm cuốn sách.

Ví dụ, khi biên soạn phần về các sự kiện văn nghệ trong kháng chiến, như Hội nghị Văn nghệ bộ đội hay Hội nghị tranh luận Văn nghệ năm 1949 tại Việt Bắc, tôi đã phải tham khảo rất kĩ bộ Sưu tập báo Văn nghệ những năm kháng chiến, tất cả gồm 7 tập. May mà tôi đã tìm mua được cả bộ trong mấy năm ròng. Hay để bình những bức ảnh về vợ chồng nghệ sĩ Thế Lữ - Song Kim, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn hồi kí của bà Song Kim và cuốn biên khảo của Lưu Quang Vũ về các nghệ sĩ sân khấu. Ngoài ra, tôi cũng dựa rất nhiều vào nhật ký của cha tôi và các trang viết khác của ông trong kháng chiến.

Vậy khi tiếp cận với kho ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu để lại, điều gì khiến ấn tượng nhất?

- Đó là tính hệ thống. Ở đây không chỉ có ảnh chân dung mà cả ảnh sự kiện, không chỉ có ảnh các văn nghệ sĩ và hoạt động của họ mà cả ảnh về bộ đội, thiếu sinh quân, về công tác y tế và cả những người dân thường... Riêng về các văn nghệ sĩ thì lại càng đáng nể. Không chỉ một vài người mà hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Bắc đều hội tụ qua ống kính của nhà nhiếp ảnh. Không chỉ một, hai ảnh mà có khi đến 5, 7 bức mỗi người, như loạt ảnh chụp vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân... Thực tế, tôi đã biên soạn thành những “phóng sự ảnh” của không ít văn nghệ sĩ, với sự xâu chuỗi bằng các lời dẫn hoặc ghi chú cần thiết để làm rõ thêm.

Thế còn tình nghệ sĩ một thời khó quên hiện lên qua những bức ảnh thì sao, thưa ông?

- Đây cũng là một điều rất thú vị. Các gương mặt văn nghệ sĩ qua ống kính Trần Văn Lưu hiện ra với chúng ta mỗi người mỗi vẻ, không ai lẫn với ai. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... đều mỗi người một cốt cách, một phong thái, cũng khác biệt như phong cách sống và sáng tác của họ vậy. Và đặc biệt ai nấy đều rất có nội tâm, có cái gọi là chiều sâu của tâm hồn mà người chụp phải rất hiểu người mình chụp mới nắm bắt được.

Nhưng đồng thời họ lại có những nét gì đó rất chung. Tôi nghĩ đó là vẻ bình dị, chân thành, hồn hậu của những người đồng lòng, đồng chí, sống với nhau chan hòa để cùng lo việc chung, toát ra qua mỗi cử chỉ, sắc thái của họ trong bức ảnh. Những biểu cảm hết sức tự nhiên mà nếu không phải xuất phát từ đáy lòng thì khó mà “diễn” được.

Đoàn kịch Chiến Thắng.

Chân dung nhiều văn nghệ sĩ đã hiện ra trong những bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, để kể lại những ngày tháng cũ với những câu chuyện về một thời kháng chiến. Đâu là câu chuyện trong những bức ảnh khiến ông day dứt?

- Qua nhật ký của cha mình, tôi biết rằng hồi ấy các ông sống rất gắn bó, lo cho nhau, tin ở nhau. Mặc dù ai nấy đều có cái tôi riêng, thậm chí là có cách nghĩ, cách làm việc khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở những nét lớn, nét chính, đó là vì việc chung. Điều này chỉ có được khi người ta tin tưởng nhau, tôn trọng nhau.

Trong cuốn sách ảnh Trần Văn Lưu, có 3 bức cha tôi chụp cùng nhà thơ Tố Hữu và nhà văn Nguyễn Tuân. Một bức chụp các ông cùng mấy vị khác nữa trước trụ sở Hội Văn nghệ ở Xóm Chòi; một bức chụp 3 ông tiễn nhau đi chiến dịch; và một bức chụp 3 ông bên trong căn nhà được dùng làm trụ sở Hội. Ở cả 3 bức các ông đều toát ra vẻ thân ái, chân tình, bó kết với nhau rất chan hòa. Qua đó có thể thấy 3 ông tuy là những người lãnh đạo hàng đầu của Hội Văn nghệ, nhưng gắn bó với nhau trước hết bằng tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp. Đó là trong kháng chiến.

Nhưng sau này, như thực tế cho thấy, khi về Hà Nội, một số văn nghệ sĩ không còn giữ được tình cảm với nhau như thế nữa. Đây là tôi nói chung, không chỉ riêng ai. Xin đơn cử một ví dụ. Có lần, tôi được một người thân của một văn nghệ sĩ cho xem một bức ảnh chụp chung trong kháng chiến. Bức ảnh bị gập lại ở một phía, vì có một người mà văn nghệ sĩ ấy không muốn nhìn mặt lại, dù chỉ trên ảnh.

Vậy có điều gì đó mà ông chợt ngộ ra về đời sống văn nghệ của một thời kỳ - thời mà cha ông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có can dự, khi tiếp cận với những bức ảnh này?

- Theo tôi, đời sống văn nghệ trong kháng chiến có một điểm nổi bật. Đó là các văn nghệ sĩ tuy nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu về tâm hồn, tình cảm, rất phong phú về nội tâm, tính cách.

Cá nhân ông đánh giá như thế nào về di sản ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu?

- Trước hết, tôi xin được bày tỏ sự trân trọng đối với gia đình nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu về việc đã bảo quản, xử lí các bức ảnh của ông tốt một cách không ngờ. Chắc chắn đây là một ý thức trân trọng các giá trị văn hóa, tinh thần đã được truyền lại từ chính nhà nhiếp ảnh! Còn về hơn 300 bức ảnh ông để lại, tôi nghĩ đầu tiên cần khẳng định đó là những tư liệu lịch sử vô giá. Vì chúng gắn một quãng lùi thời gian đã tới 70 năm.

Lại là ảnh về những gương mặt hàng đầu của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, gắn với những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ tài danh của đất nước ở vào một thời điểm mà tất cả đều phơi phới hiến mình cho cách mạng và kháng chiến. Mặt khác, các nhà chuyên môn về nhiếp ảnh cũng nên quan tâm thêm về giá trị nghệ thuật của những bức ảnh đó, những bức ảnh mà người nghệ sĩ Trần Văn Lưu đã bằng tâm huyết ghi lại chỉ với hai sắc màu đen trắng.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Cuốn sách, có thể nói, là một bộ sưu tập những bức ảnh vô cùng quý giá về nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng trong kháng chiến, và sau hòa bình lập lại, bên cạnh những bức ảnh khác giúp tái hiện bối cảnh họ đã sống và sáng tác hết sức cảm động. Đồng thời, cuốn sách cũng giúp ta thấy được cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một sự nghiệp có thể còn chưa được đánh giá đúng mức, nhưng thật đáng trân trọng”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).

Hoàng Thu Phố

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tinh-nghe-si-khang-chien-tintuc398645