Tỉnh nào nằm ở cực Bắc của Việt Nam?

Đây tỉnh ở cực bắc Việt Nam, được lập tháng 12/1975.

Tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam

Hỏi:

Tỉnh nào nằm ở cực Bắc của Việt Nam?

A. Hải Hưng

B. Hà Tuyên

C. Hà Sơn Bình

D. Không có tỉnh nào

Đáp án:

B. Hà Tuyên

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Hà Tuyên là tỉnh cũ ở cực bắc Việt Nam, được lập tháng 12/1975 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Khi đó, tỉnh Tuyên Quang rộng 5.736 km2, dân số 346.000, có năm huyện, một thị xã. Tỉnh Hà Giang rộng 7.953 km2, dân số hơn 354.000, có tám huyện, một thị xã.

Hà Tuyên là một tỉnh miền núi cực Bắc, phía bắc giáp Trung Quốc, phía nam giáp tỉnh Vĩnh Phú, phía đông giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Thái, phía tây giáp tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Khi thành lập, tỉnh có 13 huyện, hai thị xã, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Từ tháng 8/1991, tỉnh lại được chia lại thành Hà Giang và Tuyên Quang như hiện nay.

Tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Báo Tuyên Quang).

Tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Báo Tuyên Quang).

Tỉnh được thành lập năm 1976 nằm ở cực Nam Việt Nam

Hỏi:

Tỉnh nào được thành lập năm 1976 nằm ở cực Nam Việt Nam?

A. Cửu Long

B. Hậu Giang

C. Minh Hải

D. Không có tỉnh nào

Đáp án:

C. Minh Hải

Theo Cổng thông tin tỉnh Cà Mau, sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam.

Hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu sáp nhập thành tỉnh Minh Hải, với hai thị xã Minh Hải, Cà Mau và bảy huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển.

Minh Hải nằm ở cực Nam, phía Bắc giáp hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp vịnh Thái Lan.

Cuối năm 1978, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập sáu huyện mới: Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn.

Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Tỉnh Cà Mau (Ảnh: Du lịch).

Hỏi:

Tỉnh Sông Bé trước đây được chia tách thành những tỉnh nào?

A. Bình Phước, Bình Dương

B. Đồng Nai, Bình Dương

C. Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh

D. Không có tỉnh nào

Đáp án:

A. Bình Phước, Bình Dương

Sông Bé từng là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, được thành lập năm 1976 sau khi sáp nhập ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long có từ trước đó. Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một.

Sau nhiều lần hợp nhất, sáp nhập các huyện, đầu năm 1996, tỉnh Sông Bé có chín đơn vị hành chính gồm thị xã Thủ Dầu Một các huyện Bến Cát, Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long, Tân Uyên, Thuận An.

Tháng 11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Sông Bé để tái lập tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Theo Cổng thông tin tỉnh Bình Dương, tỉnh này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển phong phú, đa dạng.

Tỉnh Bình Dương (Ảnh: Đại đoàn kết).

Tỉnh cùng với Bắc Ninh được chia tách từ tỉnh Hà Bắc

Hỏi:

Tỉnh nào cùng với Bắc Ninh được chia tách từ tỉnh Hà Bắc?

A. Vĩnh Phúc

B. Bắc Giang

C. Hải Dương

D. Không có tỉnh nào

Đáp án:

B. Bắc Giang

Theo Cổng thông tin tỉnh Bắc Giang, trong lịch sử thời các vua Hùng, tỉnh này thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang. Dưới triều Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), địa phương thuộc huyện Long Biên, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh.

Dưới đời vua Minh Mạng (năm thứ hai, 1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc sau đó đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 10/1962, tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh Hà Bắc. Đến tháng 11/1996, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Tổng cục Du lịch).

Quảng Nam – Đà Nẵng là một tỉnh cũ thuộc miền Trung

Hỏi:

Quảng Nam – Đà Nẵng là một tỉnh cũ thuộc miền Trung với tỉnh lỵ có tên là gì?

A. Quảng Đà

B. Quảng Nam

C. Hội An

D. Đà Nẵng

Đáp án:

D. Đà Nẵng

Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh cũ thuộc Trung Trung Bộ và Đà Nẵng khi đó là thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh này.

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, sau khi xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào năm 1889, Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.

Tháng 3/1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp. Năm 1967, Đà Nẵng được ấn định là thành phố trực thuộc trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật.

Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

TP. Đà Nẵng (Ảnh: Báo Đà Nẵng).

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tinh-nao-nam-o-cuc-bac-cua-viet-nam-78012.html