Tính năng thua kém Su-35S nhưng vì sao Su-30SM vẫn được Nga tiếp tục đặt hàng?

Tờ báo Vedomosti của Nga vừa đăng tải thông tin cho biết, Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định đặt hàng tổ hợp hàng không Irkut sản xuất thêm 36 tiêm kích đa năng Su-30SM để trang bị cho cả không quân lẫn hải quân.

Trong khi chờ đợi tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 được hoàn thiện thì việc Không quân Nga đặt mua thêm chiến đấu cơ thế hệ 4,5 nhằm lấp đầy khoảng trống là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên có một vấn đề gây thắc mắc đó là tại sao Nga không đặt hàng nhà sản xuất chế tạo thêm tiêm kích đa năng Su-35S vốn được nhận xét là không thua kém bao nhiêu so với Su-57, mà lại là Su-30SM.

Tiêm kích Su-30SM mặc dù cũng được đánh giá rất cao nhưng nếu đặt cạnh Su-35S thì nó thua sút cả về khả năng không chiến trong tầm nhìn lẫn ngoài tầm nhìn.

Tuy rằng radar N011M BARS của Su-30SM cũng có tầm trinh sát tối đa 400 km như N035 Irbis lắp cho Su-35S nhưng độ tin cậy cũng như chính xác vẫn có khoảng cách nhất định.

Động cơ của Su-30SM là AL-31FP chỉ có thể chỉnh hướng phụt 2 chiều (2D TVC), không thể sánh bằng loại AL-41F1S thuộc dòng 3D TVC lắp trên tiêm kích Su-35S.

Ngoài ra Su-30SM còn bất lợi hơn Su-35S khi có cặp cánh mũi, bộ phận này sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar khiến cho máy bay dễ bị đối phương phát hiện từ xa.

Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là Su-30SM không có lợi thế khi đặt cạnh Su-35S, đầu tiên chính là khả năng cải thiện hiệu suất làm việc cho phi công điều khiển.

Su-30SM là máy bay tiêm kích 2 chỗ ngồi, nó sẽ giúp phân chia chức năng cho phi công được tốt hơn, giảm tải độ căng thẳng khi phải thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu trên quãng đường xa, điều mà Su-35S với 1 chỗ ngồi không làm nổi.

Su-30SM cũng yêu cầu được chăm sóc, bảo dưỡng kỹ thuật đơn giản hơn Su-35S, nhất là bộ phận động cơ vì cơ cấu điều chỉnh hướng phụt 2 chiều của nó có tuổi thọ lớn hơn loại 3 chiều lắp cho Su-35S.

Chi phí là vấn đề tiếp theo cần được nhắc tới, trong khi giá thành sản xuất một máy bay Su-30SM chỉ vào khoảng 65 triệu USD thì con số này ở Su-35S lên tới 85 triệu USD.

Khi sản xuất với số lượng lớn phục vụ nhu cầu nội địa thì khoảng chênh lệch trên là rất đáng kể, đặc biệt khi nền kinh tế Nga vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.

Su-30SM với tính năng kỹ chiến thuật không thua kém Su-35S là bao sẽ được sử dụng với vai trò như xe tăng T-72, còn Su-35S đóng vai trò những chiếc T-80 đắt đỏ hơn, đây là mô hình mà Liên Xô từng áp dụng và thu về thành công.

Bên cạnh đó, khi vẫn còn mong muốn xuất khẩu phiên bản Su-30SME thì Nga sẽ phải cung cấp đơn hàng cho tổ hợp Irkut nhằm giúp họ tiếp tục phát triển, tránh đóng cửa dây chuyền vì chưa có đơn hàng mới.

Với những điều kể trên, không quá khó hiểu vì sao tiêm kích Su-30SM vẫn được Không quân Nga tin dùng và tiếp tục đặt hàng cho dù tính năng của nó còn thua kém Su-35S.

Đáng lo nhất phải là phiên bản Su-30M2 do tổ hợp Knappo sản xuất, vì cả ngoài nước lẫn chính Bộ Quốc phòng Nga đều không đặt hàng sản xuất mới.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tinh-nang-thua-kem-su35s-nhung-vi-sao-su30sm-van-duoc-nga-tiep-tuc-dat-hang/779099.antd