Tính năng quá ưu việt khiến Ấn Độ chưa thể loại biên MiG-21 Bison dù tai nạn liên tiếp

Ngày 18-7-2018 lại xảy ra vụ tai nạn với một chiếc tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ khi nó bị rơi ở quận Kangra thuộc bang Himachal Pradesh.

 Vụ tai nạn vừa xảy ra lại làm dày thêm danh sách các vụ tai nạn máy bay của Không quân Ấn Độ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất chính là MiG-21. Nhưng tại sao Ấn Độ lại chưa loại biên dòng tiêm kích bị mệnh danh là "quan tài bay" này.

Vụ tai nạn vừa xảy ra lại làm dày thêm danh sách các vụ tai nạn máy bay của Không quân Ấn Độ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất chính là MiG-21. Nhưng tại sao Ấn Độ lại chưa loại biên dòng tiêm kích bị mệnh danh là "quan tài bay" này.

Lý do rất đơn giản, đó là các máy bay tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ đều đã được nâng cấp lên chuẩn MiG-21 Bison, đây chính là một dẫn xuất từ phiên bản MiG-21-93 được Nga giới thiệu.

Ngoài thời hạn phục vụ kéo dài thêm 20 năm, tính năng kỹ chiến thuật của MiG-21-93/ MiG-21 Bison được đánh giá không hề thua kém F-16 đời đầu, chính vì vậy mà Ấn Độ vẫn phải giữ lại phi đội MiG-21 ít nhất tới năm 2025.

MiG-21 là dòng tiêm kích huyền thoại của thế kỷ 20, giữ 3 kỷ lục gồm: máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không; máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II và máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.

Tuy nhiên hiện nay MiG-21 đã rất lỗi thời, lạc hậu về nhiều mặt (radar tầm trinh sát rất ngắn, vũ khí hiệu suất kém…) vì vậy đòi hỏi cần phải có sự thay thế.

Nhưng trong tình cảnh ngân sách hạn hẹp của đa số quốc gia còn sử dụng thì việc nâng cấp, hiện đại hóa những chiếc MiG-21 cũ là ý tưởng tỏ ra phù hợp hơn cả.

Đáp ứng nhu cầu trên, nhiều nước đã đưa ra một số gói nâng cấp nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho dòng tiêm kích huyền thoại này trong đó nổi tiếng nhất là phiên bản MiG-21-93 của Nga.

MiG-21-93 được trang bị hệ thống điện tử, vũ khí tiên tiến. Cụ thể, máy bay lắp đặt radar điều khiển hỏa lực Kopyo có tầm hoạt động 57 km, theo dõi đồng thời 10 mục tiêu và tiêu diệt 2 trong số đó.

Trước khi nâng cấp, MiG-21 chỉ có khả năng mang tên lửa không đối không thế hệ cũ như R-3S, R-60 và hoàn toàn không thể sử dụng tên lửa không đối đất có điều khiển.

Sau khi nâng cấp, máy bay đã có thể mang các loại tên lửa không đối không tiên tiến như R-73E, R-27, R-77 thậm chí cả tên lửa chống radar Kh-25MP.

Nhìn chung, biến thể tiêm kích MiG-21-93 tập trung nâng cấp mạnh yếu tố hỏa lực cho khả năng không chiến tầm xa tăng gấp 10 lần so với nguyên bản.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự quốc tế, MiG-21-93 có khả năng đối phó với biến thể F-16 đời đầu của Mỹ, giá thành của gói nâng cấp này ước tính 4,5 triệu USD.

Dễ nhận thấy tính năng của MiG-21-93 là tương đối cao cấp cho nên Ấn Độ vẫn quyết định duy trì số lượng lớn dòng chiến đấu cơ này.

Đáng nói hơn là khi đối thủ của họ bao gồm Trung Quốc và Pakistan vẫn còn duy trì rất nhiều J-7F/G (phiên bản MiG-21 do Trung Quốc sản xuất) tính năng kém hơn.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tinh-nang-qua-uu-viet-khien-an-do-chua-the-loai-bien-mig21-bison-du-tai-nan-lien-tiep/775501.antd