Tính minh bạch của công nghệ Blockchain trong đô thị thông minh

Là vấn đề mà nhiều người quan tâm bởi Blockchain được xem là có khả năng bảo mật thông tin và quyền riêng tư, nhất là về kiến trúc mạng lai do Pradip Kumar Sharma đề xuất.

Chia sẻ về tình hình ứng dụng công nghệ blockchain vào đô thị thông minh trên thế giới tại Hội thảo khoa học Smart City 3600 lần 2 với chủ đề Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 26/7/2018, TS. Dương Minh Đức (ĐH CNTT – ĐHQG TP.HCM) cho biết các thành phố lớn trên thế giới như Santiago (Chile), Toronto (Canada), Tel Aviv (Isarel), Oslo (Na Uy), Milan (Ý), London (Anh) và Stockholm (Thụy Điển)... đã phát triển các dự án dựa trên blockchain, trong khi Dubai (UAE) đã đặt mục tiêu ưu tiên cao trở thành thành phố đầu tiên của chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2020.

TS. Dương Minh Đức.

Dubai là thành phố đứng thứ 2 trong Báo cáo đánh giá cạnh tranh xếp hạng thành phố thông minh của ABI Research (tháng 5/2018), nhờ sự vượt trội về tiêu chí sáng tạo do chấp nhận các công nghệ thế hệ tiếp theo và các mô hình thành phố thông minh đột phá như các giải pháp cấu trúc cho các vấn đề khó, như dự án Smart Dubai. Smart Dubai gồm có: Dubai Tourism, Dubai Health Authority và Dubai Police áp dụng blockchain. Bắt đầu từ năm 2018, Smart Dubai đã ra mắt nền tảng blockchain-as-a-service (BaaS) cho phép các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn trên toàn thành phố. Toàn bộ quá trình dịch chuyển lên blockchain sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Thành phố Đài Bắc (Đài Loan) cũng đang trở thành một đô thị thông minh, bằng cách sử dụng sức mạnh của công nghệ sổ cái phân tán. Thành phố đã chọn hợp tác với IOTA, nhà phát minh công nghệ Tangle cho IoT, để cung cấp một số tính năng công nghệ mới cho người dân. Dự án đầu tiên trên sổ ghi chép là việc tạo ra các thẻ ID cho công dân được xây dựng trên công nghệ Tangle. Thẻ “TangleID” được thiết kế để loại bỏ rủi ro về hành vi trộm cắp danh tính và gian lận cử tri, đồng thời cung cấp một phương tiện đơn giản để theo dõi lịch sử sức khỏe và các dữ liệu khác cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ.

Theo TS. Dương Minh Đức, dựa trên các đặc tính cơ sở dữ liệu chia sẻ, bảo mật và riêng tư, có thể thực hiện thử nghiệm ứng dụng blockchain trong hai lĩnh vực vô cùng quan trọng và đang có sự quan tâm ở mức cao của xã hội là y tế và giáo dục. Đây là hai chuyên môn có đặc thù, có tầm ảnh hưởng rộng, và việc chia sẻ cũng như đảm bảo tin cậy cho dữ liệu rất có ý nghĩa. Việc tích hợp dữ liệu tại hai lĩnh vực này hiện đang gặp khó khăn do nhiều lo ngại về bảo mật, tính riêng tư và đặc biệt yêu cầu bảo đảm toàn vẹn dữ liệu.

Bên cạnh đó, đô thị thông minh cần cơ sở hạ tầng mạng tin cậy và có khả năng mở rộng khi các hệ thống mới, đa dạng được tích hợp vào với trục chính của đô thị. Phần lớn các nguồn dữ liệu do các cảm biến truyền tải không đòi hỏi băng thông, nhưng việc phân tích chuyên sâu với các thiết bị bảo mật mạng, camera giám sát,… lại tiêu tốn lượng băng thông rất lớn. Dữ liệu trong đô thị thông minh cũng sẽ tốn một dung lượng lưu trữ khổng lồ. Để xử lý được lượng dữ liệu này, các trung tâm dữ liệu của đô thị thông minh phải được nâng cấp đáng kể so với năng lực hiện có của hệ thống. Các trung tâm dữ liệu phải có khả năng mở rộng và dự phòng. Tính riêng tư của dữ liệu cần được chú ý trong một số trường hợp phải tuân thủ theo quy định, chẳng hạn như quy định về những người có thể xem và tiếp cận thông tin sức khỏe bệnh nhân.

Giải đáp những câu hỏi của khách dự hội thảo về tính minh bạch dữ liệu của công nghệ Blockchain trong kiến trúc mạng lai (hybrid network architecture) do Pradip Kumar Sharma đề xuất, TS. Dương Minh Đức khẳng định đây là vấn đề rất thú vị, bởi tính minh bạch thông tin theo thời gian thực còn phụ thuộc vào ngữ cảnh áp dụng. Chẳng hạn, việc chia sẻ thông tin về hồ sơ nhà đất rất dễ dàng và thoải mái, trong khi hồ sơ y tế điện tử thì khó được như vậy do có nhiều thông tin cá nhân cần được bảo mật, đồng thời việc chia sẻ thông tin (hồ sơ bệnh án) giữa các bệnh viện ẩn chứa rất nhiều rủi ro và thách thức.

TS. Dương Minh Đức cho biết ông sẵn sàng đón nhận sự hợp tác của các doanh nghiệp nhằm nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ Blockchain ở những hướng đi về y tế, giáo dục, lưu trữ, truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Đây đều sẽ là những giải pháp ứng dụng blockchain để giải quyết những dịch vụ công trong chính phủ điện tử và đô thị thông minh.

Blockchain là một công nghệ mới vừa xuất hiện trong một vài năm gần đây và đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan như là một công nghệ tiên phong trong tương lai, đang được biết đến và ứng dụng rộng rãi trong thị trường tài chính, tiền mã hóa, hay được biết đến thông qua các khái niệm như tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum…), trong y tế, giáo dục… Với những đặc tính nổi trội trong việc bảo mật thông tin dựa trên nền tảng dữ liệu phân tán và cấu trúc lưu trữ dữ liệu theo dạng chuỗi là cơ sở cho việc chống giả mạo thông tin đã lưu trữ, và nâng cao hiệu suất cho việc xác thực thông tin dựa trên kiến trúc phân tán và chia sẻ thông tin sổ cái.

So với blockchain ứng dụng trong tiền điện tử thì hợp đồng thông minh (smart contract) ứng dụng trong phạm vi rộng hơn, như kinh tế, tài chính, chứng khoán, ngân hàng gồm những việc có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng. Từ năm 2017, Blockchain 3.0 được phát triển không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính mà còn mở rộng ra các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nghệ thuật...

Công nghệ Blockchain có thể tạo ra một hệ sinh thái an toàn và linh hoạt để trao đổi hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs). Công nghệ này mang đến tính minh bạch bằng cách tạo ra bằng chứng cho các loại thuốc quan trọng, máu, các cơ quan nội tạng... Bằng cách đưa tất cả giấy phép y tế vào một blockchain, các bác sĩ gian lận có thể bị cấm hành nghề. Blockchain cung cấp nền tảng để chia sẻ mọi lúc mọi nơi mà vẫn đảm bảo riêng tư với các hồ sơ bệnh án, giúp tăng hiệu quả chữa trị, tiết kiệm chi phí khi tái sử dụng các kết quả cận lâm sàng, hỗ trợ theo dõi tiền sử bệnh, phản ứng phụ với thuốc... để từ đó giúp chuẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Việc số hóa hồ sơ y tế đã mang lại thay đổi đáng kể trong lĩnh vực y tế công cộng, nhưng cũng bị chỉ trích vì phức tạp do vấn đề tập trung và các vấn đề đạo đức liên quan.

Hoàng Kim

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2018/07/1257163/tinh-minh-bach-cua-cong-nghe-blockchain-trong-do-thi-thong-minh/