Tình mẹ đong đầy trong những trang sách

Những trang sách về tình mẫu tử bao giờ cũng đong đầy yêu thương và cao cả.

Tình mẹ như dòng nước, mạch ngầm mát lành sản sinh, nuôi dưỡng sự sống. Tình cảm ấy là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều tác phẩm. Các tác giả Việt khi cầm bút cũng khắc họa tình cảm tự nhiên mà thiêng liêng ấy.

 Sách Trong vòng tay mẹ.

Sách Trong vòng tay mẹ.

Con lớn lên, mẹ trưởng thành

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là biên tập viên sách văn học. Chị là người đứng sau các cuốn sách của những cây bút như Trần Dần, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên, làm "bà đỡ" cho những tác giả trẻ như Huỳnh Trọng Khang, Lu, Đinh Phương.

Ngoài nghề biên tập, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy còn có “nghề” khác, đó là làm mẹ.

Sách Trong vòng tay mẹ (Nhã Nam và NXB Thế giới) là tập hợp những câu chuyện nhỏ, giản dị, xảy ra trong gia đình của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Đó là những trải nghiệm của một bà mẹ đẻ dày, có hai con gái, những hoang mang, băn khoăn về cách nuôi con, cách yêu thương chăm sóc bản thân khi có con nhỏ...

Đó là những câu chuyện thường nhật trong gia đình, từ chuyện con ốm, xử lý tình huống trong quá trình chăm sóc và dạy dỗ con, đến những niềm vui của việc đọc sách, đi phượt cùng con…

Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép chân thật, sinh động không thiếu băn khoăn, đôi khi tức giận và cũng đong đầy niềm vui, hạnh phúc.

Trong vòng tay mẹ không đơn thuần là khoảng thời gian các con còn nhỏ, chưa tự lập, cần sự chăm sóc của mẹ cha. Quá trình con khôn lớn cũng là quá trình trưởng thành của người mẹ, để cảm nhận những yêu thương vô bờ. Cuốn sách kể câu chuyện của cá nhân, nhưng mỗi người làm cha, mẹ đều có thể gặp mình trong những câu chuyện ấy.

Vẫn là cuốn sách được viết bởi người mẹ, nhưng Hôm nay mẹ có vui không? (Phương Nam Book và NXB Phụ Nữ) tập trung việc đồng hành cùng con để vượt qua những khiếm khuyết.

Ở câu chuyện này, tác giả Vân Anh chia sẻ hành trình của người mẹ đơn thân, quá trình tự chữa lành khỏi những trầm cảm, tìm cân bằng và niềm vui trong cuộc sống, đồng thời cùng hai con vượt qua những khó khăn.

Cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng quá trình nuôi dạy con không tránh khỏi quát mắng, những khi chán nản. Có lúc, cha mẹ quá kỳ vọng vào con mà thất vọng. Có lúc, cha mẹ vô tình không để ý tới cảm xúc của con…

Tác giả sách cho rằng điều này có thể xuất phát từ chính bản thân người làm mẹ. Những tổn thương mà người mẹ đó gặp phải trong quá khứ có thể tác động đến cách hành xử với con.

Ngoài việc học hỏi các phương pháp nuôi dạy con, bản thân người mẹ cũng phải để ý đến nội tâm của mình. Nếu nội tâm có phần bất ổn, người mẹ nên chữa lành, bởi “Phần gốc chưa vững thì làm sao nuôi trồng cái cây khỏe mạnh. Làm cha làm mẹ trong tình trạng còn ngổn ngang vết thương thì làm sao nuôi dạy con được hạnh phúc”.

Người làm mẹ nên tìm hạnh phúc ở nội tại chứ không cố tỏ ra hạnh phúc vì người khác. Chính các con cảm nhận rõ nhất niềm hạnh phúc đó của mẹ và lớn lên một cách hồn nhiên, tự tin.

Qua cuốn sách, người đọc có thể cảm nhận những giằng xé nội tâm của người mẹ, cùng tư duy tích cực giúp tác giả vượt qua khó khăn và hơn hết là tình yêu thương vô hạn dành cho con cái.

Sách Mẹ và con. Ảnh: H. Đ.

Tiếng lòng của con gửi tới mẹ

Nếu tình yêu của mẹ dành cho con là vô bờ, thì tình cảm của con với mẹ cũng không gì sánh nổi. Có mẹ trong đời là tiếng lòng của những người con khi nói về lòng biết ơn với mẹ - ngọn nguồn sản sinh và nuôi dưỡng.

Có mẹ trong đời (Phương Nam Book và NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách của những người nổi tiếng viết về mẹ của mình. Đó là chuyện của diễn viên Kim Cương viết về mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam, ca sĩ Ái Vân viết về mẹ là nghệ sĩ Ái Liên…

Bìa sách Có mẹ trong đời. Ảnh: PNB.

Bên cạnh những người mẹ nổi tiếng, sách cũng có câu chuyện thấm đẫm tình mẫu tử về những người mẹ không phải là nghệ sĩ.

Đó là các trang viết của nhà báo Vũ Kim Hạnh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, họa sĩ Lê Thiết Cương…

Đặc biệt, nhà thơ Đỗ Trung Quân còn có một bài thơ rất hay về mẹ. Họa sĩ Lê Thiết Cương lại gọi hương vị đằm sâu trong những chiếc bánh ngon mà mẹ anh làm là “mùi mẹ”…

Mỗi câu chuyện trong sách đi vào trái tim người đọc bằng những tình cảm tự nhiên, ngọt ngào, những tâm tình ấm áp; nhẹ nhàng đánh thức trong mỗi người niềm hạnh phúc lớn lao: Được có mẹ trong đời.

Sách còn là lời nhắc nhở về việc hiếu thuận, đó không chỉ là trách nhiệm, là đạo hiếu, mà còn là cách để mỗi người tìm được bình yên trong đời.

Cũng là những câu chuyện của người nổi tiếng viết về mẹ, Mẹ và con (NXB Trẻ) vừa ra mắt khắc sâu hơn về tình cảm vĩ đại: Tình mẫu tử. Tác giả của sách là những nhà văn nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đăng Khoa; những người nổi tiếng như nhà báo Tạ Bích Loan, Lê Hồng Lâm; các họa sĩ như Đỗ Phấn, Lê Thiết Cương…

Mỗi người con trong sách đã viết về những người mẹ của mình, kể về những người mẹ Việt Nam cụ thể. Họ là trí thức, là tiểu thương, là nông dân; họ ở nông thôn, ở thành thị, ở miền núi; gia đình họ gia thế hay bình dân… và còn biết bao khác biệt về hoàn cảnh, số phận, thời đại sống. Nhưng mỗi câu chuyện này đều toát lên vẻ đẹp của tình mẹ, sự hy sinh của mẹ dành cho con.

Cuốn sách như lời nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn có một nơi chở che, bao dung vĩnh viễn, đó là lòng mẹ.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-me-dong-day-trong-nhung-trang-sach-post1213397.html