Tỉnh Long An đề xuất đổi nhiệt điện than sang nhiệt điện khí: Chưa nghiên cứu đã vội đề xuất

Hồi cuối tháng 8, UBND tỉnh Long An đề xuất Bộ Công Thương giữ quy hoạch Trung tâm Điện lực của địa phương nhưng thay vì nhiệt điện than, tỉnh này muốn triển khai dự án bằng công nghệ khí hóa lỏng. Ngày 20.9, Bộ Công Thương trả lời không đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị. Lý do nào để Bộ Công Thương ra quyết định này?

Sản xuất điện từ khí hóa lỏng được đánh giá có tính ưu việt là ít tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có đủ nguồn khí hóa lỏng để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí kiểu này. Ảnh: PV

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết nếu địa phương thực hiện dự án nhiệt điện bằng công nghệ khí hóa lỏng thì có một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều này không được Bộ Công Thương ủng hộ.

Để thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương đã giao cho Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) nghiên cứu, quy hoạch cụ thể. Theo quy hoạch, Trung tâm Điện lực Long An được xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước với hai nhà máy là Nhiệt điện Long An I, có công suất 1.200 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2024-2025 và Nhiệt điện Long An II, công suất 1.600 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2027-2028.

Kinh phí xây dựng Dự án theo hình thức BOT trị giá khoảng 5 tỉ USD và xây dựng trên diện tích hơn 360ha. Dự kiến khi đi vào hoạt động, hai nhà máy này sẽ cung cấp khoảng 17 tỉ KWh mỗi năm.

Văn bản trả lời do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký, khẳng định theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ – TTg ngày 13.8.2016, tại tỉnh Long Anh đã được quy hoạch phát triển hai nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than.

Ngày 30.10, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – ông Lê Văn Lực cho biết: “Để phát triển địa điểm đã đề xuất và lựa chọn, thay đổi từ nhiên liệu than sang khí thì quan trọng nhất là liên quan đến luồng vận chuyển nhiên liệu. Đối với các tàu vận chuyển khí hóa lỏng LNG nhập khẩu thông thường là tàu từ 100 nghìn – 150 nghìn tấn. Để đảm bảo tàu như thế thì luồng nạo vét từ luồng chính cho đến nhánh rẽ vào điểm trạm sẽ là một khối lượng rất lớn.

Trong khi đó hiện nay chưa hề có nghiên cứu đánh giá bồi đắp xem việc nạo vét với khối lượng bao nhiêu sẽ đủ đáp ứng cho tàu 100 nghìn tấn vận chuyển. Đó là về khối lượng nạo vét để tàu vận chuyển nhiên liệu vào Trung tâm Điện lực nên hiện chưa thể đánh giá được về tính khả thi của phương án như vậy” – ông Lực cho biết.

Đồng thời, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng chia sẻ thêm hiện chúng ta hoàn toàn chưa có nhà máy điện nào sử dụng khí LNG hóa lỏng nhập khẩu để phát điện, cũng không có kinh nghiệm gì về làm những dự án kho cảng khí hóa lỏng LNG nên chưa có số liệu tương tự để đánh giá so sánh.

Đức Thành

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tinh-long-an-de-xuat-doi-nhiet-dien-than-sang-nhiet-dien-khi-chua-nghien-cuu-da-voi-de-xuat-633525.ldo