Tĩnh lặng sáng mồng Một Tết

Tôi có một sở thích gần như không bao giờ thay đổi dịp Tết, đó là dậy thật sớm vào sáng mồng Một Tết và cứ thế đi lang thang, có nhiều năm là lững thững đi bộ để cảm nhận thật rõ sự chuyển mình của năm.

Thường là phải đi từ lúc trời chưa sáng, ngắm nhìn phố phường ngủ say sau một đêm giao thừa đầy hân hoan, thì mới cảm nhận được cái tĩnh lặng trong yên bình ấy. Sáng mồng Một, phố phường im ắng, mà lại sạch sẽ hơn ngày thường, không còn khói bụi, thành thử không khí trong lành một cách đáng ngạc nhiên.

Ảnh: PV

Ảnh: PV

Lúc ấy, có thể cảm nhận được mỗi một cây cổ thụ trên phố đánh quý như thế nào. Mỗi cái cây âm thầm lọc sạch thành phố, và còn hơn thế, nó như một chứng nhân cho nhiều mảnh đời đã gắn bó với Thủ đô, ăm ắp kỷ niệm. Lúc ấy lại càng cảm nhận được hơn cái được gọi là hồn cốt. Những xô nghiêng của năm tháng, những lớp rêu phủ của thời gian, càng làm cho phố phường như gần gụi hơn, thân quen hơn. Và trong buổi sáng mồng Một ấy, lại càng như lạ hơn một chút. Ngạn ngữ có câu “cái lá cây năm nay không phải lá cây năm ngoái”, là mang hàm ý như vậy. Sáng mồng Một nào tôi cũng đi dạo khắp các con đường, và đương nhiên sẽ len lỏi vào các con ngõ nhỏ, những phố chợ ngày thường xôn xao và đông nghịt, để tự tìm lạ trong quen. Năm nào cũng đi, nhưng cảm xúc thì không lần nào giống lần nào, bởi cái lá cây năm nay rõ ràng khác cái lá năm ngoái. Sau mỗi một năm, trải nghiệm nhiều lên, tự thân sẽ có những suy tư khác đi về cuộc sống xung quanh mình. Chỉ có điều, năm nào cũng thấy nao nao trong buổi sớm tinh mơ của ngày mồng Một.

Những năm trước, khi chưa cấm đốt pháo, thì sáng mồng Một đối với tôi đẹp đến nao lòng. Trên các con đường, các vỉa hè, xác pháo hồng tươi rải kín, như thể những cánh hoa, làm phố phường khác hẳn thường ngày. Mùi thuốc pháo còn đâu đó lẩn quất trong không gian, thơm lừng và đầy sức sống. Bây giờ dù không còn cảnh như vậy, dù có luyến tiếc thì vẫn phải công nhận cấm pháo là đúng, bởi pháo không chỉ là câu chuyện ý thức mà còn liên quan đến tính mạng con người. Không còn pháo, phố phường vẫn đẹp bởi hoa, bởi cờ, bởi những gì người ta chỉ chưng ra vào dịp Tết. Những trang trí ấy lúc đông người đẹp một kiểu khác, lúc vắng lặng buổi sáng sớm lại đẹp một cách khác, là vẻ đẹp của sự tận hiến.

Sự tĩnh lặng của sáng sớm mồng Một trên phố, là một trải nghiệm khó tả. Nó không như sự tĩnh lặng nơi thôn quê, bởi trái lại, thôn quê vào giờ ấy nhiều khi lại rất rộn ràng. Nó như một sự nghỉ ngơi trong thư thái để bước vào những ngày vui nhất của Tết Cổ truyền. Sáng mồng Một, với một số người, gần như là buổi sáng đẹp nhất trong năm. Bây giờ khi mà mạng xã hội đã lan tỏa đến từng người, thì ai đó có lỡ ngủ say sau một đêm giao thừa rộn ràng, cũng chỉ cần mở mạng xã xã hội là thấy miên man nào là ảnh chụp phố phường từ lúc còn ngủ say trong đêm cho đến khi tờ mờ sáng. Còn khi đã sáng hẳn rồi thì gần như không khí bảng lảng ấy lại tan biến. Không ít nhiếp ảnh gia hay thậm chí chỉ là người mê chụp ảnh đã cất công đi từ sáng sớm để có những bức ảnh xuân mới đẹp và độc cho riêng mình.Thôi thì muôn màu muôn vẻ, từ những mái ngói lô xô cho đến những cành lộc non cựa mình trong sương sớm. Những khung hình ấy, ở thời điểm khác rất không có gì đáng nói, nhưng ở thời điểm ngày đầu của năm, rất dễ nhận được sự đồng cảm và chia sẻ. Tết mà, mở lòng ra với nhau đi chứ, để đón nhận và trao gửi những gì chân thành nhất.

Có năm, tôi lang thang từ 3 giờ sáng, đi từ phố này sang phố khác chỉ để hít thở một không khí rất lạ, càng lạ hơn khi chỉ cách đấy vài giờ, phố phường nhà nhà náo nhiệt vô cùng trong không khí đón giao thừa. Nhiều khi trong lúc lang thang sáng sớm, bỗng bật cười vì nghĩ đến khẩu ngữ dân gian “Ba mươi chưa phải là Tết” theo nghĩa đen. Thì đúng là vậy, Ba mươi mới chỉ là giao thừa, là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thôi mà. Vậy nên, sáng sớm mồng Một này mới là bước chuyển giữa giao thừa và Tết. Nghĩ bâng quơ vậy thôi, bởi mọi định nghĩa mang hơi hướng dân gian ấy chỉ mang tính tương đối và đôi khi, còn hơi tầm phào. Đi từ sáng sớm, thành thử tôi có nhiều thời gian nghỉ chân trước khi những tia nắng đầu ngày xuất hiện và cùng với đó, người đi du xuân mỗi lúc một đông dần. Hành trình của tôi thì cũng chỉ quanh quẩn phố xá, không hẳn là những địa điểm đã từng quen thuộc với khách phương xa, mà vẫn là những góc phố Tây cũ, hay nhũng con ngõ nhỏ hun hút dài. Sáng sớm khi vắng lặng, những góc phố Tây còn đậm nét kiến trúc Pháp mang lại một cảm giác xa xưa mà không kém phần hào nhoáng. Trong khi đó, những con ngõ nhỏ, những vỉa hè chật chội lại là một phần không thể tách rời của đời sống thủ đô. Chỉ khác là, trong buổi tờ mờ sáng mồng Một, chúng đẹp một cách yên bình. Hay cũng có khi, tôi ngồi ít phút ở một vườn hoa nhỏ, địa điểm vốn ngày thường ít khi mình để ý đến bởi nó là nơi người ta tập thể dục, dắt chó đi dạo, buôn bán lặt vặt, để tận hưởng hương hoa trong buổi tờ mờ và nhận ra rằng, mỗi bông hoa trong vườn hoa dù có khiêm nhường đến đâu vẫn không giấu được sắc hương riêng của mình. Lúc ấy mới chợt nhận ra rằng, hóa ra thủ đô không đến nỗi quá thiếu các công trình công cộng như người ta hay phàn nàn, mà vấn đề ở chỗ người dân luôn biến những nơi đó thành nơi kinh doanh của mình một cách bất cần với tấm khiên hữu hiệu là sự nghèo khổ giả tạo.

Thường thì ý niệm thời gian luôn mang tính tương đối. Khi mà ta chỉ mong thời khắc của buổi bình minh mồng Một ấy một ấy kéo thật dài thì sao mà ngắn đến vậy, mặc dù chúng vẫn vậy. Khi những tia sáng dịu vàng của tiết trời xuân xuất hiện, thì đất trời như sang hẳn một trang mới, đẹp và đầy lan tỏa, nhue đón mời con người cùng giao hòa với thiên nhiên. Tất nhiên đó chỉ là trang mới trong lòng người, nhưng cũng là quá đủ để nôn nao, để háo hức, để chờ đợi một năm mới với nhiều niềm vui và bình an trong cuộc sống.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tinh-lang-sang-mong-mot-tet-117857.html