Tình làng nghĩa xóm trong 'Sui gia khắc khẩu'

'Sui gia khắc khẩu' được phát sóng nửa chặng đường trên kênh THVL1 và đang tạo sức hút bởi câu chuyện đậm chất miền Tây. Bên cạnh những màn khắc khẩu ý nhị là những những câu chuyện chòm xóm đầy nghĩa tình nơi làng quê bình dị. Phim dài 50 tập, phát sóng lúc 20 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.

Sáu Bảnh (NSƯT Hoài Linh, trái) và con gái Thùy An (Lê Bê La).

Sáu Bảnh (NSƯT Hoài Linh, trái) và con gái Thùy An (Lê Bê La).

Ba người bạn từ thuở thiếu thời gồm Sáu Bảnh (NSƯT Hoài Linh), Năm Tỏn (Hoàng Sơn) và Tám Ðiệu (Thanh Hằng) vốn tưởng sẽ ngày càng thân hơn khi kết thành sui gia. Thế nhưng, những mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đây bởi tình thương dành cho con.

Sáu Bảnh có hai cô con gái là Ánh Xuân (Thúy Diễm) và Thùy An (Lê Bê La). Ðôi bạn chí thân Sáu Bảnh và Năm Tỏn những tưởng sẽ càng thân khi Thùy An chuẩn bị kết hôn cùng Minh Khang (Linh Tý). Nhưng đám cưới của họ buộc phải dời lại vì Minh Khang bị tai nạn giao thông, gãy chân. Ðúng lúc này, Nam (Thanh Duy), con trai một người bạn của Sáu Bảnh từ nước ngoài trở về, tá túc tại nhà ông với mong muốn tìm đường xuất khẩu sản phẩm quê nhà. Sự xuất hiện của Nam khiến Minh Khang hiểu lầm, đẩy mối quan hệ giữa anh và Thùy An trở nên căng thẳng. Mâu thuẫn của đôi trẻ khiến hai bạn già Sáu Bảnh và Năm Tỏn cũng trở mặt, gây hấn nhau. Ðỉnh điểm của câu chuyện là Sáu Bảnh muốn tác hợp Thùy An cho Nam.

Trong khi đó, Ánh Xuân - con gái lớn của Sáu Bảnh kết hôn với Tấn Lộc (Lương Thế Thành), con trai duy nhất của bà Tám Ðiệu. Sáu Bảnh và Tám Ðiệu từng có đoạn nhân duyên nhưng không thành, vì thế khi về làm dâu, Ánh Xuân không được lòng mẹ chồng. Thêm vào đó, Tấn Lộc lại rất thương vợ, càng khiến bà Tám Ðiệu bất mãn. Từ mâu thuẫn này bà Tám Ðiệu rơi vào âm mưu chia rẽ của Chanh, cô gái từng bị Tấn Lộc từ chối tình cảm thuở xưa. Khi biết bà Tám Ðiệu gây khó dễ cho Ánh Xuân, ông Sáu Bảnh can thiệp, khiến gia đình dậy sóng...

Câu chuyện trong “Sui gia khắc khẩu” không mới nhưng có sức hút, bởi phản ánh những tình huống trong đời sống thường thấy ở làng quê miền Tây. Ở đó có những lúc hàng xóm khắc khẩu, nhưng khi gặp chuyện lớn họ lại bỏ qua hết giận hờn mà giúp đỡ nhau. Mâu thuẫn của họ đôi khi chỉ bắt đầu từ tình thương con, từ những chuyện nhỏ nhặt; tuy nhiên họ cũng biết cân nhắc nặng nhẹ để không đẩy mọi chuyện đi quá xa. Quan trọng nhất là cuối cùng ai cũng nghĩ cho tình thân, bạn bè. Qua từng chuyện xảy ra, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

Lồng ghép trong những câu chuyện gia đình, phim cũng có những vấn đề thời sự: hạn mặn và nạn đầu cơ trục lợi nước ngọt; tìm đường xuất khẩu sản phẩm từ lục bình, tạo công ăn việc làm; chuyện người quê lên phố nhiễm tật xấu rồi trở về tạo nên những cơn sóng gió… “Sui gia khắc khẩu” tạo nên bức tranh nông thôn đa sắc, trong đó giá trị cốt lõi của truyền thống và gia đình hướng con người đến những điều tốt đẹp. Tiếng cười vì thế cũng trở nên ý nhị, tinh tế với những bài học sâu sắc về tình bạn, tình yêu, tình thân.

Phim có dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm đã tạo nên những nhân vật chân chất, mộc mạc như người miền Tây bình dị, thiệt thà.

BẢO LAM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tinh-lang-nghia-xom-trong-sui-gia-khac-khau--a131058.html