Tinh khiết & Cao quý

Theo sử sách, việc sử dụng trà có từ thời Thần Nông của Trung Hoa (cách đây khoảng 5.000 năm) đủ biết là trà cao quý thế nào, đến thần cũng dùng trà.

Người Trung Hoa từ thế kỷ VII đã viết sách về trà gọi là “Trà kinh”. Cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ vào đời nhà Đường được coi như một kinh thư có giá trị quan trọng bậc nhất về lịch sử trà, là tổng quan về những vùng trồng trà, cách pha trà, thưởng trà, các loại trà cụ... Lục Vũ sau được coi là “Thần trà”.

Trà Ô Long Trung Quốc (Ảnh: teasource.com)

Cho dù người Trung Hoa đã uống trà từ thời Thần Nông (theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng 5.000 năm, là ông tổ nông nghiệp, là người dạy dân nghề làm ruộng, trồng ngũ cốc, chế ra cày bừa...) nhưng thực chất trà chỉ phổ biến ở Trung Hoa từ năm 618, thời nhà Đường. Đến thời nhà Tống (thế kỷ XVII) thì trà mới trở thành nghệ thuật hoàn hảo và trác tuyệt.

Thú thưởng trà sau này cũng có ở Việt Nam. Thứ trà được miêu tả mê hồn của cụ Nguyễn Tuân được pha bằng nước đọng trên lá sen. Sương đêm tinh khiết lưu lại trên lá được mấy giọt trong như thủy ngân. Chắt những giọt trời ấy từ vài chục lá may ra mới được một ấm. Trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” của Nguyễn Tuân có huyền thoại về gã ăn mày thưởng trà còn phát hiện được cả vị mày trấu bên trong. Hãy xem Nguyễn Tuân viết: “Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã hắn cũng đã uống rồi đấy”.

Huyền thoại về Trảm Mã Trà lắm người nghe tưởng thật. Đấy là cách người ta dùng ngựa để ươm trà. Ngựa để cho đói ngấu vài ngày rồi thả ra đồi chè. Ngựa đang cơn đói bụng sẽ chọn những búp lá ngon nõn để ăn. Người nuôi chờ cho dịch vị trong dạ dày ngựa ngấm vào trà rồi mới mổ bụng ngựa lấy trà ra. Khi ấy trà sẽ có vị ngon đặc biệt, được tôn lên là Trảm Mã Trà.

Phàm đã coi uống trà là một nghệ thuật thì từ cách hái trà cũng cần có nguyên tắc. Trà thượng hảo hạng phải được hái từ lúc không khí còn ngậm hơi sương, chừng nào mặt trời hé lộ, sương tan dần là người hái trà phải dừng ngay công việc. Trà cụ cũng phải được làm bằng đồ gốm với màu sắc phù hợp thì trà mới ngon, còn đồ kim loại mà đun lên sẽ ám hơi tanh của đồng, của sắt. Ấy là chưa kể nước pha trà, không thể hàm hồ cứ thấy nước sạch là có thể đun sôi pha trà. Nước suối phải là suối chảy qua sỏi; nước sông phải lấy từ thượng nguồn; còn nước giếng thì nên lấy ở giếng chùa trên núi mới không ô tạp.

Người Trung Hoa tự cổ đã xếp 10 nguồn nước vào top đầu để pha trà. Đầu bảng là nước trong động Thủy Liêm trên núi Lô Sơn, rồi đến nước suối Thạch Tuyền ở Vô Tích... Thế mới có chuyện rằng, một ngày nọ, thần trà Lục Vũ trên đường đi du ngoạn tình cờ gặp Lý Quý Khanh lúc đó là thứ sử Hồ Châu, còn Lục Vũ đã là “trà hữu” của hoàng đế nhà Đường. Lý Quý Khanh vội sai thuộc hạ dong thuyền ra dòng Nam Linh (Dương Tử Giang) để lấy nước về pha trà đãi Lục Vũ. Lúc uống trà, Lục Vũ bảo đây rõ ràng không phải nước Nam Linh. Viên thuộc hạ thề sống thề chết rằng anh ta đã múc nước ở Nam Linh. Lục Vũ mới dùng gáo ngoáy chum nước để kiểm tra lại rồi gật đầu “Nước ở dưới thì đúng là Nam Linh”. Viên thuộc hạ đành thú thật rằng quả là hắn có múc nước Nam Linh nhưng giữa đường có đánh đổ một ít nên sợ quá mới lấy thêm chút nước sông đổ thêm vào. “Sành” đến thế là cùng.

Làm trà ở Trung Quốc (Ảnh: nbcnews.com)

Tuy nhiên chuyện người Hoa cầu kỳ về ăn uống cũng không có gì sai, đặc biệt là trong việc thưởng trà. Trà Ô Long (còn gọi là OoLong - wulong) chẳng hạn, loại thường bán nhan nhản ngoài siêu thị tỉnh lẻ, vài chục ngàn một hộp giấy trà túi lọc. Còn thức quý, phải mua tận phố núi Vũ Di Sơn (một thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến), là thanh trà ướp hương chanh. Quả chanh được đục một lỗ nhỏ phần cuống rồi rút hết ruột, xong đổ trà vào vỏ chanh rỗng. Thanh trà được ươm lâu ngày trong vỏ chanh mới dần dà đượm hương dịu mát của giống chanh quý.

Trà Ô Long khác những dòng trà khác, ngoài lựa chọn giống trà còn là quá trình phơi khô và oxy hóa. Mức độ lên men sẽ cho ra đời các biến thể trà khác nhau. Người Hoa gọi Ô Long là thanh trà để phân biệt với hồng trà (trà đen) phổ biến ở các phần còn lại của thế giới. Ô Long luôn có mùi vị tươi mát ngào ngạt như chắt lọc từ ngàn vạn tinh túy của hoa trái, cỏ cây, sương gió, nắng trời. Nước trà thực ra không xanh như cái tên “thanh trà” mà trong óng màu mơ.

Trà Ô Long lợi về khứu giác. Vào quán cứ là ngào ngạt hương thanh trà, khiến người ta phải ngưỡng mộ sự tinh khiết, sang trọng mà thanh nhã ấy, trong lòng không thôi dậy lên thèm muốn phải hưởng thụ ngay một ly trà. Giữa mùi hương thanh trà, chẳng ai dám mưu toan điều gì gian tà, cũng chẳng nỡ đưa vào đầu dăm ý nghĩ ô uế, vẩn đục. Chả cần uống, chỉ hít hà mãi hương trà ngây ngát ấy cũng đã đủ thấy một trời bình yên

Trà Ô Long luôn có mùi vị tươi mát, ngào ngạt như chắt lọc từ ngàn vạn tinh túy của hoa trái, cỏ cây, sương gió, nắng trời. Nước trà thực ra không xanh như cái tên “thanh trà” mà trong óng màu mơ.

Nhà văn Di Li

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tinh-khiet-cao-quy-526631.html