Tỉnh Khánh Hòa phải đính chính vì ban hành văn bản 'be bét' lỗi chính tả

Sau khi Pháp luật Plus phản ánh về văn bản số 12143/UBND-KGVX ngày 27/11/2018 xuất hiện nhiều lỗi chính tả, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời đính chính nhiều nội dung.

Đính chính

Theo đó, ngày 20/12, ông Huỳnh Ngọc Bông - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký ban hành văn bản số 12910/UBND-KGVX gửi hàng loạt cơ quan (Sở KH-ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Du lịch và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đính chính 4 lỗi chính tả tại văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Văn bản đính chính lỗi chính tả sau khi Pháp luật Plus đăng tải bài viết liên quan đến văn bản số 12143.

Văn bản này thừa nhận, do sơ xuất trong quá trình soạn thảo, nên văn bản có một số lỗi chính tả. Nay UBND tỉnh xin đính chính như sau: Tại trang 1, dòng thứ 9 (từ trên xuống): Bỏ cụm từ "xây dựng"; Tại trang 2, dòng thứ 7 (từ trên xuống): Sửa cụm từ "điều chình dự án" thành "điều chỉnh dự án"; Tại trang 2, dòng thứ 14 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "chuyên chuyên" thành "chuyên môn"; Tại trang 2, dòng thứ 12 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "cổ động sáng lập" thành "cổ đông sáng lập".

Trước đó, Pháp luật Plus có đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hạn chế doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh, tỉnh Khánh Hòa có đi ngược tinh thần kiến tạo?", xoay quanh nội dung UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc hạn chế doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn hoặc thay đổi cổ đông.

Một văn bản đầy rẫy "lỗi chính tả"

Xin trở lại nội dung văn bản số 12143/UBND-KGVX ngày 27/11/2018 do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Văn bản do ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký, ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày 27/11/2018.

Văn bản này được UBND tỉnh Khánh Hòa đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh này với mức độ công khai.

Điều đáng lạ là một văn bản pháp quy được nhiều cơ quan chuyên môn tham mưu nghiên cứu kỹ trước khi trình lãnh đạo ký và đóng dấu mà tại sao lại để nhiều “lỗi chính tả” xuất hiện một cách ngớ ngẩn như vậy?

Không khó để dowload (tải xuống) được văn bản này, Phóng viên đã nghiên cứu kỹ văn bản này và nhận thấy những “lỗi chính tả” xuất hiện trong văn bản số 12143 là có thật!

Đơn cử như tại trang 2 khoản b, mục 1: “Việc ban hành lại một quyết định chủ trương…”. Lỗi chính tả “điều chình”.

Tại trang 2, khoản a, mục 2: “Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư…”. Lỗi chính tả lặp từ “chuyên chuyên”; “cổ động”.

Văn bản số 12143 xuất hiện nhiều lỗi chính tả ngớ ngẩn!

Như vậy, có thể thấy một văn bản hành chính do cơ quan là UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành lại để những lỗi ngớ ngẩn như vậy là khó chấp nhận. Những văn bản này theo quy định là có hiệu lực và có giá trị pháp lý, không những vậy, mỗi văn bản được ban hành đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới đời sống nhân dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn đó.

Đưa ra ý kiến về nội dung này, Luật sư Lương Ngọc Đinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí cho biết: "Đây là quy định trái luật bởi quyền được tự do chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, vốn góp của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp là một trong những quyền cơ bản mà mỗi cổ đông, thành viên sở hữu vốn góp đã được pháp luật cho phép. Điều này được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp năm 2014.

Tuy nhiên, với mục tiêu quản lý các dự án trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa lại ngăn cản các doanh nghiệp được thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Trong khi đó, nếu muốn xử lý các dự án chậm hoặc sai phạm…tỉnh cần áp dụng các quy định của Luật đầu tư, thì lại áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp".

Một doanh nghiệp có thể là chủ đầu tư của nhiều dự án, nếu một dự án có sai phạm thì áp dụng Luật đầu tư để xử lý sai phạm đó bằng xử phạt hoặc thậm chí có thể thu hồi chứ không thể ách tắc lại hoàn toàn việc thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông của doanh nghiệp đó, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”, một đại diện doanh nghiệp xin được giấu tên, bức xúc.

Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh internet.

Với văn bản này, tỉnh Khánh Hòa dường như đang “thổi còi” tất cả các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hạn chế doanh nghiệp tăng giảm vốn, thay đổi cổ đông, thay đổi đăng ký kinh doanh…Trong trường hợp nếu được phép thực hiện quyền hợp pháp này cũng phải qua “cửa” là báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa.

Chí Kiên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tinh-khanh-hoa-phai-dinh-chinh-vi-ban-hanh-van-ban-be-bet-loi-chinh-ta-d87178.html