Tình huống đáng lo ngại

Mối quan hệ giữa Canada và Venezuela bất ngờ xuống dốc không phanh, khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong tuyên bố ngày 10-1 rằng, chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong nhiệm kỳ mới là một chế độ độc tài vì 'nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử không trung thực và phản dân chủ'.

Tổng thống Maduro tái cử với tỷ lệ 67,84% phiếu bầu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018 với sự tham gia của đông đảo cử tri cả nước, một con số mà Caracas khẳng định là minh chứng về tính dân chủ và sự chín muồi chính trị của một tiến trình bầu cử tự do và chủ quyền. Tuy nhiên, Mỹ, Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS), Liên minh Châu Âu (EU) và một loạt các nước Mỹ Latinh khác đang tìm mọi cách gây sức ép đối với chính phủ Venezuela, trong đó có việc không công nhận kết quả bầu cử, yêu cầu nhà lãnh đạo cánh tả phải chuyển giao quyền lực cho Quốc hội do phe đối lập kiểm soát để tổ chức một cuộc bầu cử mới vì cho rằng, chiến thắng của ông Maduro diễn ra trong một cuộc bầu cử “không công bằng và không minh bạch”. Cùng với hầu hết các thành viên trong nhóm Lima (gồm 12 quốc gia Mỹ Latinh và Canada), Ottawa cũng bác bỏ tính hợp pháp của nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Maduro.

Tuy nhiên, LHQ khẳng định vẫn tiếp tục làm việc với chính phủ Venezuela trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Nicolas Maduro giai đoạn 2019-2025, đồng thời nhấn mạnh việc công nhận hay không công nhận những người đứng đầu nhà nước không phải là nhiệm vụ của LHQ. Phía Caracas cũng phản ứng mạnh mẽ trước những tuyên bố từ các nước. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bảo vệ tính hợp pháp trong nhiệm kỳ mới. Venezuela cũng tố cáo Mỹ tiếp tục gia tăng các hành động thù địch, kích động âm mưu đảo chính nhằm vào chính phủ của Tổng thống Maduro khi kêu gọi các nước không công nhận các thể chế hợp pháp dân chủ tại quốc gia Nam Mỹ này.

Nền chính trị Venezuela rơi vào khủng hoảng khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido cáo buộc Tổng thống Maduro là một nhân vật “tiếm quyền” sau một cuộc bầu cử không công bằng, không minh bạch và không được quốc tế thừa nhận, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho một “chính phủ chuyển tiếp” tổ chức một cuộc bầu cử mới. Mặc dù là cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát, nhưng Quốc hội Venezuela bị Tòa án Tối cao nước này tuyên bố vô hiệu và các hoạt động của cơ quan này không được công nhận. Hiện nay cơ quan lập pháp có quyền hành tối cao tại Venezuela là Quốc hội lập hiến được bầu ra từ năm 2017.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_201013_.aspx