Tinh hoa văn hóa thổ cẩm Việt Nam được giới thiệu tại Đắk Nông

Ngày 10/11 tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020 và đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Ban tổ chức cho biết, tiếp nối thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II. Việc tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh đất nước, con người Đắk Nông với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú nhiều màu sắc, tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: H.Q

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: H.Q

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II với chủ đề "Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông". Ban tổ chức cho biết, đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy tinh hoa của hoa văn các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát biểu tại họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II (năm 2020) sẽ khai mạc từ ngày 24/11 (trong đó có lồng ghép lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông) và kéo dài đến 29/11...

Hoa hậu Ngọc Hân cùng Hoa khôi du lịch Đỗ Trần Khánh Ngân tham quan các sản phẩm thổ cẩm tại sự kiện. Ảnh: H.Q

Thông qua lễ hội, Đắk Nông cũng mong muốn tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn các dân tộc; tìm kiếm thị trường cho những loại hình sản phẩm thổ cẩm do họ làm ra như trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm tại những địa điểm có đông khách tham quan,...

Bên cạnh đó, tổ chức liên kết vùng với các hợp tác xã, câu lạc bộ hay các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông. Song song đó, các làng nghề và nghệ nhân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ về thổ cẩm phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông./.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-11-10/tinh-hoa-van-hoa-tho-cam-viet-nam-duoc-gioi-thieu-tai-dak-nong-94955.aspx