Tinh hoa nhạc Việt số 1: Bức tranh đa màu sắc về âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam

Tối ngày 11/10, tại Đảo hồ Thiền Quang – 37 Trần Bình Trọng, Hà Nội đã diễn ra chương trình 'Tinh hoa nhạc Việt số 1'. Chương trình do Cung Thanh niên Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức phối hợp cùng nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Phương Mai, Giảng viên ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

“Tinh hoa nhạc Việt số 1” nhưng thực tế đây là hoạt động thứ 2 của dự án. Hoạt động đầu tiên là buổi Tọa đàm “Sự nghiệp của Á Nam – Trần Tuấn Khải (1895 – 1983) đã diễn ra hôm 4/10 vừa qua.

Chương trình là một bức tranh đa màu sắc về âm nhạc cổ truyền Việt Nam khu vực Bắc bộ với hát Xẩm, hát Văn, Ca trù và Chèo qua phần trình diễn của các nghệ sĩ tên tuổi.

Hát Xẩm vốn được biết đến là hình thức hát rong có địa bàn hoạt động khắp cả nước. Nhưng chỉ trong hát Xẩm cổ vùng đồng bằng Bắc bộ mới có làn điệu riêng. Khi biểu diễn, người hát Xẩm thường vừa hát vừa đánh đàn bầu (còn gọi là đàn Xẩm) hoặc kéo nhị, phối hợp với người đánh sênh, vỗ trống mảnh - đây là những nhạc cụ thường sử dụng trong dàn nhạc Xẩm. Đôi khi có thêm cả trống đế, mõ, hoặc một số nhạc cụ khác.

Xét về mặt truyền thống văn hóa, những khúc ca Xẩm là sự thể hiện rõ nét đời sống, tư tưởng, tâm hồn của cha ông ta. Đó chính là hồn xưa Việt, là một phần của nguồn cội dân tộc cần được lưu giữ và phát triển trong cộng đồng.

Tiết mục Hát Xẩm "Theo Đảng trọn đời" do nghệ sỹ Xuân Hải cùng nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn.

Nghệ sỹ Văn Phương thể hiện điệu Hát Xẩm "Dứa dại không gai".

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa giới thiệu đến khán giả bài Hát Xẩm "Giăng sáng vườn chè" thuộc điệu Xẩm Tàu điện.

Nếu hát Xẩm là một trong những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian tiêu biểu của Việt Nam thì Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: Hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo.

Điệu Chèo cổ "Lái Lơ" qua sự thể hiện của NSND Thanh Hoài.

Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đảm nhận vai trò dẫn dắt, diễn giải tại chương trình.

Trích đoạn "Xã Trưởng mẹ Đốp" do 2 nghệ sỹ Đình Ảnh và Bảo Trinh thể hiện.

Trong kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam không thể không nhắc đến Ca trù. Ca trù được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng ra đời vào khoảng thế kỷ 15. Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cùng với một số trò diễn và múa dân gian. Chính vì vậy, Ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp với nét độc đáo là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa. Nghệ thuật ca trù cũng là di sản văn hóa thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009.

Ca trù "Đào hồng đào tuyết" với sự thể hiện của NSND Thanh Hoài.

Cuối cùng là hát Văn còn gọi là Chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Hát văn "Hầu đồng giá Cô Bé" do nghệ sỹ Minh Hiền múa phụ họa.

Chăm chú theo dõi chương trình, em Hoàng Đức Mạnh – sinh viên năm khoa sư phạm âm nhạc trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Em hay xem những thể loại âm nhạc dân tộc như này tại phố cổ Hà Nội vào dịp cuối tuần nhưng đây là lần đầu tiên em được tham dự một chương trình được đầu tư với sự góp mặt của các nghệ sỹ tên tuổi trong hát Xẩm và Chèo. Chương trình hôm nay giới thiệu khá đầy đủ các loại hình âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam vốn bọn em chỉ được học qua sách vở, xem video, chưa được tiếp xúc nhiều. Thông qua chương trình bọn em được tận mắt nhìn thấy các nghệ sĩ biểu diễn từ đó hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc hơn. Em nghĩ nên kết hợp với các trường đại học để nhân rộng những mô hình biểu diễn như thế này đến đông đảo các bạn sinh viên hơn nữa”.

Số thứ 2 của Tinh hoa Nhạc Việt dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2018.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tinh-hoa-nhac-viet-so-1-buc-tranh-da-mau-sac-ve-am-nhac-co-truyen-dan-toc-viet-nam-d2056543.html