Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp

Sáng 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các báo cáo: Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án năm 2020…

Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội

Trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mặc dù năm 2020 còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (từ ngày 1-10-2019 đến 30-9-2020), lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Trong thời gian này, toàn quốc đã xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm phát sinh liên quan đến dịch Covid-19. Đặc biệt, bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 100% các xã trong toàn quốc, góp phần phòng ngừa, giải quyết tình hình ngay từ địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: “Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: Hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%”.

Đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) băn khoăn: “Cùng với những kết quả to lớn đã đạt được trong các lĩnh vực về công tác tư pháp thì người dân vẫn chưa thật sự yên tâm khi thấy rằng thời gian vừa qua, ở một số lĩnh vực, tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội”.

Trả lời báo chí tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng gia tăng của các nhóm tội phạm liên quan đến huyết thống gia đình (hiếp dâm trẻ em do người thân, ngược đãi cha mẹ…) và các hành vi vi phạm, trục lợi liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đấu tranh với các loại tội phạm trên không gian mạng

Người đứng đầu ngành Công an cũng thừa nhận, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất.

“Qua đấu tranh cho thấy, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong thời điểm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp; lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng còn nhiều; tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 26-10.

Đại biểu Hứa Thị Hà (Đoàn Tuyên Quang) nêu ý kiến, tại Việt Nam, với số lượng người sử dụng internet là hơn 68 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số, nhưng sự hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế.

Cùng với đó, chế tài hiện hành xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe, nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu cho rằng thông tin cá nhân cần phải được quy định cụ thể hơn, đây không chỉ là thông tin cá nhân mà phải được coi là tài sản để được bảo vệ. Ngoài ra, cách tiếp cận, bảo vệ thông tin cá nhân trên quan điểm bảo vệ quyền riêng tư nhưng đặt trong mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích, còn có các tiêu chí để phân loại dữ liệu cá nhân cho các cơ quan, tổ chức được khai thác và sử dụng công khai hoặc được sử dụng nhưng không công khai.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực này vẫn đang tăng lên. Trong năm nay, đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và tin học cũng đã tăng lên 20% về số vụ, mặc dù đã có sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng chức năng, nhưng có thể nói những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra khá tràn lan, chưa được ngăn chặn hiệu quả, diễn ra ở phạm vi và quy mô lớn hơn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

“Cùng với những biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an, rõ ràng là chưa đủ, không thể xử lý tận gốc được tình hình với các biện pháp xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, tin học cũng như các loại vi phạm trên môi trường mạng điện tử, cần được tiếp tục nghiên cứu theo hướng tăng để răn đe”, đại biểu Đinh Công Sỹ băn khoăn.

Đề cập về các loại tội phạm trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu thực trạng: “Qua tiếp xúc cử tri cũng cho thấy, người dân đang hết sức lo lắng trước tình hình gia tăng của một số loại tội phạm nghiêm trọng. Các đối tượng hoạt động có tính chất xã hội đen, tín dụng đen, cờ bạc qua mạng, lừa đảo quy mô lớn ở một số địa phương trong thời gian dài và có dấu hiệu tiếp tay, bao che của một số đối tượng có thẩm quyền”.

Dẫn số liệu tội phạm giết người thân năm 2020 tăng 170% với tính chất và mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chống lại các loại tội phạm nguy hiểm này”.

Chiều nay (26-10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo trên.

Phạm Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/981926/tinh-hinh-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-con-dien-bien-phuc-tap