Tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn

Ngày 26-10, tại phiên thảo luận về Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất đánh giá: Công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn rất tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân.

Tham nhũng được kiềm chế

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.

Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẩm tra báo cáo. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẩm tra báo cáo. Ảnh: VPQH

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản tán thành với những dự báo của Tổng Thanh tra Chính phủ về tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu tồn tại qua nhiều năm. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, một số vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm.

“Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế mới chỉ đạt hơn 43%

Góp ý tại phiên thảo luận, đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình song những vụ tham nhũng "vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

“Lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn tồn tại, gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước mà đã và đang diễn ra ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng. Vẫn còn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ tư pháp, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cơ quan này...”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Do vậy, theo đại biểu Hòa, ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, nhân dân sâu rộng để phòng ngừa “không dám, không muốn, không ham” thì việc tiếp tục xử lý những hành vi tham nhũng không có vùng cấm sẽ có tác động rất tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe, phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, cũng như phát hiện của nhân dân, phương tiện truyền thông cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý sai phạm.

“Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm khắc phục hạn chế của những công tác này trong thực tế thời gian qua, khi xảy ra các cơ quan chức năng rất khó xử lý cho đúng quy định pháp luật”, đại biểu kiến nghị.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng đánh giá, thời gian qua, Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân rất quyết liệt trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về kinh tế và tham nhũng, được cử tri và nhân dân đồng tình đánh giá cao.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản thất thoát, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, hiện nay công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế cũng mới chỉ đạt hơn 43%, tức là mới thu hồi được khoảng 15.000 tỉ đồng.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hiệu quả hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh đến việc Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công. Cùng với đó là đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử, nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt, để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn; nhất là tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; kể cả việc chi trả đền bù, giải tỏa đất đai cho nhân dân, tiền thi hành án... cũng cần phải tăng cường công tác minh bạch và kiểm soát tốt hơn.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/tinh-hinh-tham-nhung-dien-bien-phuc-tap-co-bieu-hien-tinh-vi-hon-642065