Tình hình Syria: UAV Mỹ phóng tên lửa 'sát thủ' diệt khủng bố ở Idlib

Ông Trump thừa nhận từng muốn ám sát Tổng thống Syria vào năm 2017; UAV Mỹ được cho tiêu diệt 2 thủ lĩnh khủng bố ở Idlib là những diễn biến mới của tình hình Syria.

Ông Trump thừa nhận từng muốn ám sát Tổng thống Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận ông từng muốn “lật đổ” Tổng thống Syria Bashar Assad vào năm 2017, nhưng đã bị Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông James Mattis ngăn cản.

“Tôi đáng lẽ đã lật đổ ông Assad. Tôi đã chuẩn bị cho việc này. Nhưng ông Mattis lại không muốn làm như vậy. Ông ấy đã phản đối gần như toàn bộ ý định ám sát”, ông Trump chia sẻ trong chương trình Fox & Friends vào ngày 15/9.

Ông Trump thừa nhận từng muốn ám sát Tổng thống Syria vào năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump thừa nhận từng muốn ám sát Tổng thống Syria vào năm 2017. (Ảnh: Reuters)

Tiết lộ của ông Trump trùng với thông tin từng được phóng viên Bob Woodward công bố trong cuốn sách xuất bản năm 2018 mang tựa đề ""Nỗi sợ hãi: Trump trong Nhà Trắng". Theo đó, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc ám sát Tổng thống Syria sau khi xảy ra cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường hồi tháng 4/2017.

Tuy nhiên, sau khi cuốn sách xuất bản, ông Trump đã phủ nhận thông tin này và khẳng định việc ám sát Tổng thống Assad "chưa bao giờ được lên kế hoạch và sẽ không bao giờ được lên kế hoạch".

Cũng trong cuộc phỏng vấn với Fox & Friends, ông Trump cho rằng Bộ trưởng Mattis lúc đó đã “phản ứng thái quá” khi không đồng ý ám sát Tổng thống Assad. Song ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết, ông không hối tiếc về chuyện không ám sát nhà lãnh đạo Syria.

Ông Trump còn chỉ trích Bộ trưởng Mattis “đã không làm tròn nhiệm vụ ở Syria và Iraq trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS”.

Thậm chí, ông Trump nhấn mạnh Mỹ đã “loại bỏ 100% IS" cùng thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, nhưng mọi chuyện chỉ thành công sau khi ông Mattis bị sa thải.

Ông Mattis tuyên bố từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào tháng 12/2018 sau khi bất đồng quan điểm với Tổng thổng Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, cũng như tránh các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông.

Tình tiết mới về vụ trực trăng Mỹ rơi ở Syria

Vào ngày 15/9, truyền thông Syria đưa tin một chiếc trực thăng của quân đội Mỹ đã gặp nạn ở ngôi làng Tel Haddad nằm gần vùng Al-Ya'rubiyah ở phía đông bắc Syria. Song thông tin cụ thể về vụ tai nạn không được công bố.

Trực thăng tấn công AH-64 Apache của Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống đông bắc Syria. (Ảnh: AMN)

Sau đó, phát ngôn viên liên quân do Mỹ đứng đầu Wayne Marotto đã lên tiếng phủ nhận. Theo ông Marotto, chiếc trực thăng thuộc “liên quân toàn cầu làm nhiệm vụ chống khủng bố” đã hạ cánh khẩn cấp xuống phía bắc Syria vào ngày 15/9, chứ không phải bị rơi.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, nguồn tin từ địa phương cho hay trực thăng Mỹ đã bị rơi ở tỉnh Al-Hasakah. Sau vụ việc, dàn xe bọc thép của quân đội Mỹ đã kéo tới hiện trường và tiến hành phong tỏa.

Liên quân Mỹ cho biết thêm, chiếc trực thăng phải hạ cánh khẩn cấp vào chiều ngày 15/9 là trực thăng tấn công AH-64 Apache. Hiện không rõ vì sao AH-64 Apache phải hạ cánh khẩn cấp. Song rất may không có thương vong về người sau vụ việc.

Hình ảnh được truyền thông đăng tải cũng cho thấy, bằng mắt thường không phát hiện trực thăng Mỹ bị hư hại gì sau sự cố bất ngờ.

Dàn xe bọc thép Mỹ phong tỏa hiện trường chiếc trực thăng AH-64 Apache hạ cánh. (Ảnh: AMN)

Vào năm 2018, một chiếc trực thăng tìm kiếm và cứu nạn Sikorsky HH-60 Pave Hawk của quân đội Mỹ cũng đã bị rơi ở phía tây Iraq gần biên giới Syria, khiến toàn bộ 7 người có mặt trên trực thăng thiệt mạng.

Kể từ năm 2014, liên quân do Mỹ đứng đầu đã cho triển khai tấn công lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Song hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria không nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính quyền Damascus. Chính phủ Syria cũng đã nhiều lần ra tuyên bố khẳng định, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia Trung Đông này là bất hợp pháp.

Trước đó, vào ngày 14/9, một chiếc máy bay không người lái (UAV) nghi là của Mỹ đã tấn công vào một chiếc ô tô chở theo các nhà lãnh đạo người Tunisia và Yemen của nhóm khủng bố Hurras Al-Deen hoạt động ở tỉnh Idlib.

Theo nguồn tin địa phương, chiếc ô tô di chuyển qua vùng Al-Qusour của tỉnh Idlib đã bị UAV Mỹ phóng 4 tên lửa “Ninja” tấn công. Hậu quả toàn bộ những người có mặt bên trong chiếc ô tô đã bị sát hại.

Ít nhất 2 nạn nhân được xác định là thủ lĩnh nước ngoài của tổ chức Hurras Al-Deen gồm Sayyef Al-Tunisi người Tunisia và Abu Hamza Al-Yemeni người Yemen.

Hiện liên quân Mỹ chưa lên tiếng bình luận về vụ việc trên.

Tên lửa Ninja của Mỹ còn có tên Hellfire AGM-114. Truyền thông phương Tây gọi vũ khí đặc biệt của Mỹ là "Ginsu bay". Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa Hellfire AGM-114 “cơ bản” có khả năng tấn công chính xác nhằm vào xe tăng, tòa nhà, boong-ke và trực thăng. Tên lửa Hellfire có thể được sử dụng như tên lửa không đối đất hoặc không đối không.

Nhiều báo cáo cũng ghi nhận quân đội Mỹ từng sử dụng tên lửa Hellfire ở Syria, Yemen, Libya, Iraq và Somali.

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, quân đội Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa có tên AGM-114R9X hoặc R9X vào năm 2011. Tên lửa R9X có độ dài 1,5 m và nặng 45 kg. Tên lửa được trang bị các thiết bị đặc biệt gồm 6 lưỡi dao dài, được phóng ra vài giây trước khi trúng mục tiêu đồng thời "cắt mọi thứ trên đường đi của nó".

Do đó, quân đội Mỹ hiếm khi sử dụng tên lửa này và chỉ trong một số điều kiện nhất định. Đó là khi vị trí của một trong những thủ lĩnh nhóm khủng bố được xác định chính xác nhằm tránh gây ra nhiều thương vong dân sự.

Nga mở rộng căn cứ ở nơi từng là cứ điểm của Mỹ

Những bức ảnh vệ tinh cho thấy, quân đội Nga đang cho mở rộng căn cứ quân sự ngay cạnh sân bay ở thành phố Kobani, phía bắc Syria. Đáng nói, khu vực này từng bị quân đội Mỹ chiếm làm cứ điểm phục vụ cuộc chiến chống IS trước khi rút quân khỏi đây vào ngày 13/11/2019.

Nga mở rộng căn cứ ở nơi từng là cứ điểm của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. (Ảnh: AMN)

Còn hiện tại, khu vực đang được lực lượng không quân và cảnh sát quân sự Nga cùng dàn trực thăng Mi-8 và Mi-35 biến thành căn cứ quân sự. Từ căn cứ sát sân bay Kobani, dàn trực thăng Mi-8 và Mi-35 cất cánh lên đường hỗ trợ sứ mệnh tuần tra của lực lượng cảnh sát quân sự Nga trong vùng.

Tầm ảnh hưởng của Mỹ ở trong vùng đã bị suy yếu nhiều trước cả thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ cho triển khai chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” vào tháng 10/2019 tại Syria.

Mỹ hiện chỉ còn kiểm soát căn cứ al-Tanf ở tỉnh Homs thuộc đông nam Syria gần biên giới Iraq và Jordan, cũng như vùng đất còn được gọi là Tây Kurdistan (bắc Syria).

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tinh-hinh-syria-uav-my-phong-ten-lua-sat-thu-diet-khung-bo-o-idlib-264266.html