Tình hình Syria nóng bỏng ngay sau thỏa thuận hòa bình Idlib, nước cờ hiểm của Mỹ?

Tưởng như tình hình chiến sự tại Syria sẽ lắng dịu sau khi thỏa thuận hòa bình tại Idlib được xác lập giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đột ngột nóng bỏng thông qua vụ không kích do Israel và Pháp tiến hành.

Vào đêm 17/9 theo giờ địa phương, một thông tin làm yên lòng những người dân đang sống trong tỉnh Idlib của Syria cũng như giới quan sát tình hình quốc tế đó là một thỏa thuận hòa bình đã được thiết lập.

Ngay sau khi hội đàm kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, lực lượng chính phủ Syria và đồng minh sẽ không triển khai bất cứ chiến dịch quân sự mới nào nhằm vào tỉnh Idlib của Syria.

Phát biểu tại họp báo sau hội đàm, Tổng thống Nga cho biết: "Chúng tôi đồng ý thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội và phiến quân trước ngày 15/10. Các nhóm phiến quân, bao gồm cả Jabhat Al-Nusra sẽ phải rút toàn bộ lực lượng khỏi khu vực này".

Ông Putin cho biết thêm, tất cả các loại vũ khí hạng nặng, kể cả xe tăng, pháo binh sẽ phải rút trước ngày 10/10 như một phần trong nỗ lực giải quyết bế tắc. Khu vực này sẽ được kiểm soát gắt gao bởi lực lượng tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy nhưng chưa kịp vui mừng lâu, ngay sau đó mảnh đất Syria lại rung chuyển bởi loạt tấn công được Không quân Israel và Hải quân Pháp tiến hành từ ngoài khơi nhằm vào các mục tiêu trong đất liền.

Ngoài thiệt hại dưới mặt đất của phía Syria khi cơ sở hạ tầng bị trúng đạn, phía Nga còn phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng và nặng nề khi chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 của họ bị bắn rơi.

Nga sau đó ra thông báo cho biết, chiếc Il-20 ELINT này đã bị khẩu đội tên lửa phòng không S-200 Angara của Syria bắn nhầm nhưng chịu trách nhiệm cho hành động trên phải là Israel.

Cụ thể hơn, các máy bay tiêm kích F-16 của Israel đã thực hiện đường bay áp sát chiếc Il-20 của Nga và bay thấp để lực lượng phòng không Syria nhầm mục tiêu do diện tích phản xạ radar của Il-20 là khá lớn và bay cao hơn.

Theo đúng thỏa thuận tránh xung đột giữa các bên, Israel phải thông báo trước cho Nga về hoạt động quân sự của họ nhằm không gây ra thương vong ngoài ý muốn.

Thế nhưng trong vụ việc vừa rồi Israel chỉ thông báo cho Nga trước đúng 1 phút, thời gian trên không thể đủ cho chiếc Il-20 rút khỏi vùng nguy hiểm, dẫn tới việc nó đã bị bắn nhầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, đây là hành động gây hấn của Israel và tuyên bố sẽ trả đũa, như vậy có thể thấy hiệp ước hòa bình giữa Moskva và Tel Aviv đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Một nhân tố khác không thể bỏ qua đó chính là Hải quân Pháp, khi lần đâu tiên lực lượng này thay Mỹ giữ vai trò tiên phong trong việc đánh phá các mục tiêu trên đất Syria.

Sự kết hợp giữa Pháp và Israel trong vụ việc vừa diễn ra đã gây thiệt hại trực tiếp cho Nga, cho nên dĩ nhiên giữa Moskva và Paris giờ đây cũng có nguy cơ đối đầu trực tiếp.

Nhưng thật đáng ngạc nhiên là Mỹ lại đứng ngoài cuộc trong vụ này, mặc dù vậy mâu thuẫn giữa Nga với Israel và Pháp lại bị đẩy lên mức cao chưa từng thấy, khiến Nga khó lòng rút chân khỏi Syria một cách êm đẹp.

Phải chăng Mỹ là bên đứng sau dàn dựng sự cố vừa qua, khiến Nga phải lâm vào thế tứ bề thọ địch khi giờ đây họ phải canh chừng không chỉ lực lượng Mỹ mà còn cả Pháp và Israel.

Nếu đúng như vậy thì đây quả là nước cờ cao và cực kỳ hiểm độc của Mỹ, khiến Nga phải sa lầy tại Syria và bỏ ra chi phí vô cùng lớn nhằm đối trọng lại các quốc gia đồng minh với Washington.

Trong khi đó Mỹ và đồng minh lại chỉ phải bỏ ra khoản chi phí tối thiểu để duy trì lực lượng quân sự, ngoài ra tiềm lực kinh tế của họ còn lớn gấp nhiều lần Nga.

Nếu không sáng suốt và thậm chí "chịu nhún nhường" thì có lẽ Nga sẽ còn phải đau đầu hơn nữa trong tương lai khi giờ đây họ đang trong tư thế "tứ bề thọ địch".

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tinh-hinh-syria-nong-bong-ngay-sau-thoa-thuan-hoa-binh-idlib-nuoc-co-hiem-cua-my/782358.antd