Tình hình Syria: Mỹ muốn Nga sa lầy ở Syria?

Mỹ muốn Nga sa lầy ở Syria; Phái đoàn quân sự Nga lại bị nhóm biểu tình tấn công ở Idlib; Hải quân Nga tập trận ngoài khơi Syria là những diễn biến mới nhất của tình hình Syria.

Quân đội Nga bị tấn công khi đang tuần tra ở Idlib

Một nhóm người biểu tình do các tay súng phiến quân Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu đã tấn công phái đoàn cảnh sát quân sự Nga làm nhiệm vụ tuần tra ở tỉnh Idlib hôm 12/5.

Theo hãng tin AMN, phái đoàn của cảnh sát quân sự Nga liên tiếp bị tấn công bằng gạch đá và trứng khi đang cố gắng hoàn thành sứ mệnh tuần tra trên tuyến đường cao tốc chiến lược M-4 hay còn gọi là cao tốc Aleppo – Latakia.

Hành động của đoàn biểu tình nhằm chứng minh việc quyết không thực hiện nội dung của thỏa thuận Moscow được ký kết ngày 5/3 giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ liên quan tới chương trình tuần tra chung của Nga - Thổ ở Idlib.

Trong quá khứ, các phái đoàn tuần tra chung của quân đội Nga – Thổ cũng từng nhiều lần bị người biểu tình chặn đường khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường cao tốc M-4. Tuy nhiên, kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có hành động trấn áp, những người biểu tình chuyển sang có hành động phản đối thay vì ngáng đường như trước đây.

Hải quân Nga tập trận ngoài bờ biển Syria

Các thủy thủ trên tàu tên lửa cỡ nhỏ Orekhovo-Zuyevo thuộc Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga đã tiến hành đợt tập trận phòng không trên Địa Trung Hải.

“Theo kịch bản diễn tập, nhóm phòng không trên tàu Orekhovo-Zuyevo xác định mục tiêu là máy bay địch bay ngay phía trên tàu chiến Nga. Sau đó, nhóm phòng không thực hành các phương án nhằm đập tan đòn tấn công trên không từ máy bay địch”, văn phòng báo chí của Hạm đội Biển Đen thông báo hôm 12/5.

Tàu hộ tống tên lửa dẫn đường Orekhovo-Zuyevo của Hạm đội Biển Đen tham gia vào lực lượng hoạt động thường trực của hải quân Nga trên Địa Trung Hải kể từ tháng Tư năm nay.

Tàu Orekhovo-Zuyevo là tàu tên lửa cỡ nhỏ thứ 7 thuộc Dự án 21631 Buyan-M. Các tàu thuộc Dự án 21631 Buyan-M được cải tiến lượng giãn nước toàn tải và trang bị các hệ thống tên lửa chính xác đạt chuẩn mới nhất Kalibr-NK nhằm tấn công mục tiêu trên biển và ở bờ biển.

Năm 2013, Nga bắt đầu thành lập nhóm tác chiến thường trực trên Địa Trung Hải để thực hiện các sứ mệnh đã định và hoạt động tấn công trong tình huống khẩn cấp nhằm tiêu diệt các mối đe dọa nhằm vào lãnh thổ và an ninh Nga.

Mỹ muốn Nga sa lầy ở Syria

Ông James Jeffrey, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Syria cho hay chỉ cần số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ hiện diện ở Syria cũng đủ khiến Nga sa lầy ở quốc gia Trung Đông.

Quân đội Mỹ ở Syria. (Ảnh: AMN)

Quân đội Mỹ ở Syria. (Ảnh: AMN)

“Sự hiện diện của quân đội chúng tôi dù là nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tính toán tổng thể. Chúng tôi hối thúc Quốc hội, người dân Mỹ và Tổng thống cần tiếp tục tập trung vào vấn đề này, nhưng một lần nữa đây không phải là ở Afghanistan, không phải là sa lầy”, RT dẫn lời ông Jeffrey phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến tại Viện Hudson hôm 12/5.

Cũng theo ông Jeffrey, “công việc của tôi là khiến Nga bị sa lầy”. Ông Jeffrey nhấn mạnh thêm, Mỹ sẽ tiếp tục ngăn cản Nga đạt được phần lớn các mục tiêu đã định ở Syria.

Nga hiện đóng vai trò là quốc gia nước ngoài hỗ trợ tích cực nhất giúp Syria tái thiết đất nước sau chiến tranh liên miên. Quân đội Nga tham chiến ở Syria từ cuối năm 2015 sau khi nhận lời đề nghị từ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Trong khi đó, quân đội Mỹ có mặt ở Syria nhưng không hề nhận được sự chấp thuận từ phía chính quyền Damascus và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Với sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ từng nằm trong tay các nhóm phiến quân Syria và khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Hoạt động của quân đội Nga còn khiến kế hoạch lật đổ chính quyền Tổng thống Assad mà Mỹ theo đuổi bị đổ bể.

Đáng nói, ông Jeffrey thừa nhận quân đội Nga đã thành công ở chiến trường Syria, nhưng “lại không có giải pháp chính trị để tháo gỡ những vấn đề bất cập” với Tổng thống Assad. Trong khi đó, Mỹ muốn “đưa ra một giải pháp cho tương lai” thông qua Nghị quyết 2254 về việc “Tổng thống Assad cần phải rời khỏi vị trí lãnh đạo”.

Tuyên bố của ông Jeffrey được xem là hoàn toàn trái ngược với nhận định từng đưa ra hồi tháng Ba khi cho rằng, mục tiêu của Mỹ là “tạo ra khó khăn lớn” cho Nga trong việc giúp chính quyền Syria giành chiến thắng quân sự.

Trong thời gian qua, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria, Iraq và Afghanistan, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc lại phản đối và quyết thực hiện mục tiêu thay đổi chính quyền ở Syria.

Minh Thu (tổng hợp)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tinh-hinh-syria-my-muon-nga-sa-lay-o-syria-62853.html