Tình hình Sudan, Algeria báo hiệu Mùa xuân Ả Rập mới?

Thành viên tổ chức nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) Borzou Daragahi nhận định việc trong vòng 9 ngày có hai nhà lãnh đạo chuyên quyền trong thế giới Ả Rập bị lật đổ là dấu hiệu cảnh báo gây chấn động lan khắp Trung Đông và Bắc Phi.

Biểu tình tại Sudan - Ảnh: Reuters

Biểu tình tại Sudan - Ảnh: Reuters

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika cùng người đồng cấp Sudan Omar al-Bashir đều thành công vượt qua “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011.

Sau khi ủng hộ tướng Abdel Fattah el-Sisi đảo chính lật đổ chính quyền dân sự Ai Cập cuối năm 2013, các nhà lãnh đạo chuyên quyền trong khu vực đều tin rằng “Mùa xuân Ả Rập” đã qua đi. Sự trỗi dậy của khủng bố IS ở Syria, Iraq, Lybia càng khiến thông điệp mà giới lãnh đạo chuyên quyền đưa ra rằng ước mơ cách mạng chỉ đem lại khốn khổ với bạo lực, thêm thuyết phục.

Algeria và Sudan vài năm gần đây tăng cường quan hệ với cả quốc gia Ả Rập theo chế độ quân quyền lẫn phương Tây, thu hút đầu tư từ hai bên. Vậy là liên minh chế độ chuyên chế cùng nhóm chống chủ nghĩa đế quốc phương Tây cánh tả cũng như lực lượng bài Hồi giáo cánh hữu được tạo ra. Họ đều lập luận cần duy trì sự cai trị tuyệt đối để ngăn chặn phần tử cực đoan, bất chấp như vậy gây áp lực lên cả những người ủng hộ tự do, đấu tranh nữ quyền,…

Còn tại Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, giới cầm quyền bỏ “Mùa xuân Ả Rập” lại phía sau hòng tập trung đối phó Iran.

Nhưng bất mãn vẫn tồn tại âm ỉ bên dưới bề mặt yên bình. Biểu tình phản đối giá lương thực tăng ở vùng nông thôn Sudan vào tháng 12 năm ngoái lan rộng ra toàn quốc, trở thành thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Bashir trong 30 năm cầm quyền.

Từ phản đối tăng giá lương thực, biểu tình tại Sudan chuyển hướng sang yêu cầu Tổng thống Bashir từ chức - Ảnh: The Independent

Sang tháng 2.2019, biểu tình nổ ra tại Algeria do Tổng thống Bouteflika công bố kế hoạch tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5.

Hành động tuần hành kéo dài nhiều tuần chuyển hướng đòi hỏi những thay đổi cơ bản. Theo một người biểu tình: “Chúng tôi không đói. Đây không phải chuyện về kinh tế, không phải cuộc nổi dậy của người đói. Chúng tôi muốn nhân phẩm”.

Tướng lĩnh buộc ông Bouteflika từ chức tuần trước, rồi trong vài ngày biểu tình nóng trở lại ở Sudan, Tổng thống Bashir bị lật đổ. Trong hai trường hợp quân đội đều cố kiểm soát chuyện nhà lãnh đạo ra đi hòng bảo tồn quyền lực, giống tình hình Ai Cập năm 2011.

Tuy nhiên, người dân nay khôn ngoan hơn và cũng chẳng tin tưởng nhiều vào tướng lĩnh. Nhiều nhóm đối lập cùng tổ chức dân sự kêu gọi tiếp tục biểu tình thúc đẩy thay đổi.

Người dân Algeria không muốn Tổng thống Bouteflika nắm quyền thêm nhiệm kỳ nào nữa - Ảnh: Reuters

Nhà phân tích HA Hellyer thuộc tổ chức Atlantic Council đánh giá tình hình Sudan và Algeria càng cho thấy quan niệm thế giới Ả Rập cần những nhân vật độc tài cai trị là sai lầm.

Số phận của hai Tổng thống Tổng thống Bouteflika và Bashir tạo ra tiếng vang trên toàn thế giới. Trên mạng xã hội, không ít người cảnh báo chuyện tương tự sắp xảy ra với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni (cầm quyền 33 năm), Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza (cầm quyền gần 14 năm) cùng vài nhà lãnh đạo châu Phi khác.

Cẩm Bình (theo The Independent)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/tinh-hinh-sudan-algeria-bao-hieu-mua-xuan-a-rap-moi-111049.html