Tình hình mua bán người trên khu vực biên giới

Theo đánh giá của Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới đất liền và tuyến biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự.

Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Trung Quốc phối hợp giúp đỡ nạn nhân trở về (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, trong các năm 2012-2018, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh, xử lý 221 vụ/282 đối tượng mua bán người, giải cứu 695 nạn nhân, tiếp nhận 456 nạn nhân, tự trở về 172 nạn nhân; xây dựng 215 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 120 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng bắt giữ, xử lý 32 vụ/27 đối tượng, giải cứu 88 nạn nhân. Đã xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án, vụ án, khởi tố 10 vụ/17 đối tượng, giải cứu 11 vụ/46 nạn nhân. Phối hợp với Công an, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và Công an Trung Quốc giải cứu 9 vụ/22 nạn nhân, tiếp nhận từ Công an Trung Quốc 9 vụ/17 nạn nhân, tự trở về 3 vụ/3 nạn nhân.

Thông qua các chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian gần đây cho thấy, các đối tượng chủ yếu sử dụng các thủ đoạn lừa gạt, sau đó khống chế, nên khi nạn nhân phát hiện bị lừa đã ở trong tình trạng khó có thể trốn thoát.

Mặt khác, nhân dân trên khu vực biên giới sinh sống phân tán, nhận thức xã hội thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu cảnh giác nên dễ trở thành “con mồi” của các đối tượng mua bán người. Ngoài ra, tình trạng kết hôn trái pháp luật của cư dân hai bên biên giới, xuất nhập cảnh trái phép với mục đích làm thuê, đi chợ, khám chữa bệnh, làm nương rẫy… gây khó khăn cho công tác quản lý và đây là điều kiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Các đối tượng hình thành đường dây có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, nhân phẩm con người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cho biết: “Tội phạm mua bán người rất đa dạng, ngoài những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng bên nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác, một số đối tượng làm ăn, buôn bán, kinh doanh dịch vụ trên biên giới, do thông thuộc địa hình đã lợi dụng để lừa nạn nhân bán ra nước ngoài. Nạn nhân bị bán từ khắp các địa phương trong cả nước, bao gồm cả nam giới và nữ giới sinh sống chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc chiếm 75%”.

Để ngăn ngừa tình trạng nạn nhân bị bán ra nước ngoài, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân trên khu vực biên giới, nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tuyên truyền phổ biến tư vấn về pháp luật, chính sách tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặt ngay từ cơ sở, tại các thôn, bản, làng và xã. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác Quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng chống mua, bán người thông qua di cư trái phép và giải quyết các vấn đề nạn nhân bị mua bán liên quan hai biên giới.

TH

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tinh-hinh-mua-ban-nguoi-tren-khu-vuc-bien-gioi-n11237.html